00:00 Số lượt truy cập: 3084570

Mùa tôm bội thu ở vùng cát Quảng Trị 

Được đăng : 03/11/2016
Trong nắng hè gay gắt, bước trên từng lớp cát bỏng dưới chân, ông Phạm Xuân Hiệp- Chủ tịch UBND xã Triệu An (Triệu Phong, Quảng Trị) tiết lộ với chúng tôi rằng: Vùng đất "bạc tỷ" này xưa kia là vùng "đất chết". Chính người nông dân đã nỗ lực làm cho đất hồi sinh.  

Đổi đời từ tôm thẻ chân trắng

Về xã Triệu An vào đúng vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng, điều chúng tôi bắt gặp đầu tiên là những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đen sạm, là sự hớn hở không giấu niềm vui vì được mùa tôm, là niềm hy vọng "đổi đời" đang mở ra với người dân vùng cát.

Cách chúng tôi chừng trăm mét là biển Cửa Việt cồn cào từng con sóng, những ống dẫn nước biển lớn nhỏ đặt san sát nhau đều đặn dẫn nguồn nước biển vào nuôi lớn con tôm thẻ chân trắng.

Ông Lê Liệu, thôn Hà Tây, chậc lưỡi: "Ai ngờ vùng cát này lại hợp với con tôm thẻ chân trắng, rứa là ước mơ làm giàu trên cát của bà con sắp thành hiện thực. Nếu tôm vừa được mùa lại được giá như năm nay thì mỗi hộ nuôi tôm ở đây ít nhất cũng thu vào 40 triệu đồng tiền lãi còn cả vùng bãi ngang này có thể thu vào tiền tỷ".

Nuôi tôm không còn là nghề xa lạ với những người dân vùng cát Triệu An, nhưng giống tôm thẻ chân trắng thì chỉ mới xuất hiện năm thứ 2 ở khoảnh đất giáp biển này. 7 năm trước, khi phong trào nuôi tôm phát triển rầm rộ người dân Triệu An đã từng cải tạo ao trên cat nuôi tôm sú, năm đầu có lãi, niềm vui chưa trọn vẹn thì dịch bệnh xảy ra, dư lượng thuốc kháng sinh trong tôm lớn và tôm sú rớt giá, giấc mơ làm giàu trên cát của người nông dân đành dang dở.

Con tôm thẻ chân trắng thực sự mơ ra cơ hội mới với người dân nơi đây. Năm 2007, toàn xã đã cải tạo gần 55 ha diện tích bãi ngang thuộc thôn Hà Tây, Phú Hội và vùng ven sông cụt để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Rút kinh nghiệm nuôi tôm từ những năm trước, được tham gia các lớp tập huấn về nuôi tôm do địa phương tổ chức, tận dụng những ưu điểm vượt trội của giống tôm thẻ chân trắng nên ngay từ vụ tôm đầu tiên người dân Triệu An đã khá thành công. Vụ tôm năm 2009, tôm thẻ chân trắng cho năng suất bình quân từ 2,7-3,2 tấn/ ha (tăng 0,2-0,5 tấn so với năm 2008), giá tôm thành phẩm đạt 55-60 ngàn đồng/kg.

Trên diện tích 4 sào đất cát, trước đây gia đình ông Liệu trồng khoai lang rồi chuyển sang trồng lúa. Vùng cát khắc nghiệt lại thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng nên lúa, khoai không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ 3 năm nay ông chuyển sang đào ao thả tôm thẻ chân trắng. Ưu thế của giống tôm này so với tôm sú là chịu được biên độ mặn rộng, mật độ nuôi cao (từ 100-200 con/ mét), tạp ăn, chóng lớn, miễn dịch cao, chịu được biến động nhiệt độ và khả năng kháng bệnh tốt nên thích hợp với vùng cát.

Vừa dẫn chúng tôi dạo qua một vòng quanh ao tôm, ông Liệu vừa nhẩm tính: "Những vụ trước do tôm giá thấp nên tui chỉ lãi khoảng 30 triệu đồng /vụ, chứ cái đà giá tôm tăng như năm nay thì mỗi vụ tui cầm chắc 50 triệu đồng, mỗi năm trung bình nuôi 2-3 vụ, tính sơ cũng thu gần trăm triệu đồng từ nuôi tôm".

Nếu trồng lúa thì ông Dương Văn Viết chỉ thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng từ 6 sào ruộng trên cát, từ khi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi năm 3 vụ tôm, trung bình mỗi vụ thu 30-35 triệu đồng. Riêng vụ tôm vừa qua, sau khi trừ chi phí ông Viết lãi ròng 60 triệu đồng.

Là người đầu tiên chuyển đổi thành công từ trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng, đến nay đã có nhiều hộ trong xã Triệu An đã chuyển đổi thành công mô hình này. Còn ông Dương Minh Liễu, thôn Hà Tây đã đầu tư cải tạo trên 12 sào đất cát biển thành ao nuôi tôm, vụ đầu tiên cho thu hoạch trên 3,8 tấn tôm thành phẩm, lãi ròng gần 85 triệu đồng.

Trăn trở vùng cát

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Dũng, một trong những hộ đầu tiên của thôn Hà Tây nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết: "Với ưu điểm nổi trội của giống tôm này chúng tôi dự định sẽ đưa vào thả nuôi 3 vụ/ năm. Với năng suất bình quân đạt 3 tấn tôm/ ha, giá bán từ 50-55 ngàn đồng/ kg, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ thu vào 130-140 triệu đồng/ha/vụ, đây thực sự là mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng cát".

Con đường nhỏ ngoằn nghèo được phủ xanh bởi những hàng phi lao dẫn chúng tôi đến vùng bãi ngang, sông cụt, nơi có vùng cát trắng được mệnh danh là vùng đất "bạc tỷ" của xã Triệu An. Ông Hiệp trăn trở: "Ở đây tiềm năng có, nguồn lực lao động có, nhưng còn thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất, thiếu đường vận chuyển, thiếu điện thắp sáng và thiếu sự quy hoạch hợp lý".

Từ khi Triệu An chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, con tôm thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó, vừa cung cấp cho thị trường trong tỉnh, vừa xuất ra các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, do hệ thống đường giao thông chưa hoàn thiện nên không có sự thống nhất về giá tôm giữa các ao nuôi, giữa ao gần đường vận chuyển và ao xa hơn chênh lệch giá từ 5-10 ngan đồng/kg.

Mặt khác, địa điểm nuôi tôm nằm cách xa khu vực dân cư nên chưa có nguồn điện phục vụ nuôi tôm, mọi nhu cầu từ điện thắp sáng đến chạy máy sục khí cho ao tôm hàng ngày đều thực hiện bằng máy nổ. Từ đó làm tăng chi phí sản xuất của người nông dân, trong khi giá cả tôm thương phẩm còn bấp bênh vì phụ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường.

Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, người nông dân đã mạnh dạn cải tạo, tích cực tìm ra những cây, con thích hợp để phát triển triển kinh tế, tuy nhiên tính bền vững của những cách làm, những mô hình kinh tế nhìn chung vẫn chưa cao.

Nhớ lại những năm trước, thời "hoàng kim" của con tôm sú, nông dân đã bỏ lúa, bỏ khoai, vay vôn để nuôi tôm. Tôm sú bị dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người nông dân, nhất là thiệt hại về mặt kinh tế. Từ năm 2007, con tôm thẻ chân trắng đã mang lại lợi nhuận khá cao, gây dựng lại niềm tin để người nông dân chăm lo phát triển kinh tế.

Song, theo ông Phạm Xuân Hiệp thì phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng chủ yếu còn mang tính tự phát của người dân, vẫn còn thiếu sự quy hoạch tư vấn, hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên những khó khăn vẫn đang ở trước mắt.