Mỗi năm thu lãi vài chục triệu đồng từ trang trại chưa hẳn là lớn đối với vùng đồng bằng nhưng ở xã miền núi đặc biệt khó khăn như Hưng Thi (Lạc Thuỷ - Hoà Bình) thì đấy là thành tích đáng nể. Trải qua nhiều gian nan, anh Phạm Văn Mạnh đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi khang trang trên Nông trường sông Bôi.
Năm 18 tuổi, Mạnh đã bắt tay vào làm kinh tế trang trại. Ban đầu, do diện tích đất ít, anh chỉ trồng một số loại cây như: chanh, mơ, vải... Năm 2005 đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình làm kinh tế của anh, Mạnh thầu thêm đất để mở rộng sản xuất, nâng diện tích trang trại lên 3ha.
Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn: thiếu vốn để xây dựng chuồng trại chăn nuôi; máy móc phục vụ sản xuất không có, phải dùng trâu, bò cày kéo nên chậm thời vụ là chuyện xảy ra như cơm bữa. Thêm vào đó, khâu tiêu thụ sản phẩm lại bấp bênh, việc vận chuyển sản phẩm tới nơi tiêu thụ khá xa.
“Nhưng những điều đó gây thiệt hại không lớn bằng việc mình thiếu kiến thức” - Mạnh bộc bạch. Lúng túng về kỹ thuật chăm sóc cây trồng - vật nuôi khiến không ít lần anh phải “ăn quả đắng”. Chuyện xảy ra vào năm 2000 khi trâu, lợn, gà bỗng dưng bị bệnh dịch chết hàng loạt, con số thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Anh cho biết: “Đó chỉ là những bệnh thông thường nhưng do không biết cách điều trị nên tôi đành bó tay”. Sau “cú ngã” đó, anh nghiệm ra bài học “xương máu”: Muốn làm ăn lớn phải nắm vững khoa học kỹ thuật. Từ đó, Mạnh tích cực học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, bạn bè...
Hiện, trang trại của anh xen canh các loại cây như ngô, vải, keo; chăn nuôi bò, lợn, gà, ngỗng. Năm 2006, anh thu 20 tấn ngô, 5 tấn lợn, đạt thu nhập 40 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 20 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, doanh thu đạt đã 40 triệu đồng. ông Phạm Văn Thống, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thi cho biết: “Anh Mạnh là một trong 30 hộ làm kinh tế cho thu nhập cao nhất xã. Mô hình này phù hợp với vùng đất chúng tôi, đã được xã chọn làm mô hình điểm để học tập, nhân rộng”.