00:00 Số lượt truy cập: 2662803

Mỹ: Giá nông sản tăng vọt 'cuốn' nông dân vào nguy cơ vỡ nợ 

Được đăng : 03/11/2016
Thời gian qua, giá nông sản tăng vọt và lợi nhuận từ trồng cây lương thực hiện ở mức cao. Nhưng tại Mỹ có một nguy cơ đang lớn dần lên đó là nông dân có thể sắp rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng thấy kể từ sau sự sụp đổ của kinh tế trang trại vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Giá đất đai tăng vọt, tiền vay gia tăng và việc nhờ vào trợ cấp của chính phủ để sản xuất ethanol đã khiến các nhà kinh tế đưa ra cảnh báo rằng, điều mà một số người coi là thời đại vàng của nông nghiệp có thể đột ngột kết thúc. Cuộc sống của hàng nghìn nông dân, sự lành mạnh của hàng trăm ngân hàng và sức sống của một ngành nông nghiệp từng là một trong số rất ít những điểm sáng kinh tế của Mỹ trong những tháng gần đây sẽ lâm nguy.

Ông Barry L. Flinchbaugh, nhà kinh tế về lĩnh vực nông nghiệp tại Đại học bang Kansas nói: “Chúng ta đang ở một thời điểm đầy rủi ro, tuy nhiên, chúng ta dường như không lo ngại về sự rủi ro đó một cách đúng mức.”.

Nhu cầu cao về ngô và các loại ngũ cốc khác đã khiến giá những mặt hàng này liên tục lập các kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Các nhà kinh tế cho rằng, điều này sẽ đẩy giá trị đất trồng trọt lên mức kỷ lục và tăng dần khoản nợ mà nông dân vay tiền để mua thêm đất, để trang trải chi phí lớn hơn về phân bón và hạt giống cũng như nâng cấp thiết bị sản xuất của họ.

Chừng nào nhu cầu này vẫn còn, thì thời kỳ tốt đẹp cho nông dân vẫn diễn ra. Nhưng nếu nhu cầu giảm, họ có thể lâm vào tình thế như đầu những năm 80 của thế kỷ trước khi mà nền kinh tế trang trại sụp đổ trên quy mô lớn.

Trong số những yếu tố có thể tác động tới nhu cầu này có sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ Mỹ về trợ cấp cho sản xuất ethanol hiện ước tính khoảng 6 tỷ USD mỗi năm, những điều chỉnh trong ngân sách cho nông nghiệp mà có thể sẽ giảm khoản hỗ trợ thanh toán hoặc tăng giá trị đồng USD, qua đó sẽ làm giảm mạnh xuất khẩu.

Các nhà kinh tế nông nghiệp đặt câu hỏi liệu việc trợ cấp của Chính phủ Mỹ cho sản xuất ethanol có tiếp tục tồn tại không trong bối cảnh có nhiều lời phàn nàn rằng giá ngô tăng vọt đang làm tăng chi phí lương thực. Ngô được sử dụng trong hầu hết thức ăn gia súc và là thành phần chính trong vô số các sản phẩm khác.

Giáo sư kinh tế Neil Harl từng giảng giạy tại Đại học bang Iowa nói: “Chính sách năng lượng của Mỹ tạo thuận lợi cho việc sản xuất ethanol trong hai thập kỷ qua. Câu hỏi đặt ra là liệu nó còn tiếp tục không. Nó đang làm tăng giá lương thực và điều này đang gây sức ép đối với Quốc hội để đưa ra quyết định hạn chế sử dụng ethanol".

Dự luật tăng chi tiêu cho nông nghiệp hiện nay dường như khó được Quốc hội Mỹ thông qua vì chính quyền Bush đã dọa sẽ bỏ phiếu phủ quyết dự luật này nếu bất cứ khoản tăng chi tiêu nào không được bù đắp bằng sự giảm chi tiêu ở những lĩnh vực khác.

Hôm thứ năm vừa qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua việc gia hạn trong thời gian ngắn đối với dự luật nông nghiệp ban hành năm 2002 để tiếp tục tài trợ cho các chương trình trồng trọt cho đến hết ngày 25-4

Ông Flinchbaugh và một số nhà kinh tế khác cho rằng tình hình trồng trọt hiện nay có sự tương đồng nổi bật đối với những gì đã diễn ra vào giữa những năm 70 của thể kỷ trước, khi mà nhu cầu dường như là “không thể thỏa mãn được” về ngô của Mỹ đã làm tăng giá trị đất đai và nông dân tận dụng tài sản tăng vọt này của họ để tăng vay nợ.

Sau đó, khi Chính phủ Mỹ thay đổi chính sách và nhu cầu đột nhiên giảm mạnh, giá trị đất và thu nhập từ trồng trọt sụt giảm mạnh, buộc hàng nghìn nông dân bán tháo đất đai và sản phẩm của họ, dẫn tới sự đổ vỡ của gần 300 ngân hàng nông nghiệp.

Chủ trang trại ngũ cốc Harlan Meier, 76 tuổi, ở thành phố Davenport, bang Iowa đã sống qua hai lần suy giảm mạnh của kinh tế trang trại trồng trọt trước đây - cuộc đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước và cuộc khủng hoảng kinh tế trồng trọt vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Thậm chí vào thời điểm giá cả cao như thế này, ông Meier lưu ý là nông dân đang phải trả giá cao hơn nhiều để mua hạt giống và phân bón (cần để tạo sự màu mỡ cho những cánh đồng thâm canh ngô). Chi phí tăng lên này và những ký ức về những năm 80 của thế kỷ trước khiến ông do dự vay tiền.

Các nhà kinh tế lo ngại nông dân có thể bị lôi cuốn vay thêm tiền vì tin rằng giá nông sản sẽ tiếp tục tăng.

Giá nông sản tăng chủ yếu do nhu cầu cao về ngô và đậu tương từ những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, cùng với nhu cầu của hơn 50 nhà máy sản xuất ethanol với nguyên liệu chủ yếu là ngô được xây dựng trong vài năm qua.

Giá ngô giao ngay tại Trung tâm giao dịch Chicago đã tăng vọt từ 1,86 USD/giạ vào năm 2004 – 2005 lên mức giá hiện nay khoảng 6 USD/giạ, giá đậu tương từ 5,88 USD/giạ vào 2004 – 2005 lên mức hiện nay khoảng 13,5 USD/giạ.

Giá nông sản tăng, đất trồng trọt cũng đã có giá trị hơn. Tại Iowa, khu vực sản xuất ngô lớn nhất nước Mỹ, giá trung bình mỗi mẫu (0,4 ha) đất trồng trọt đã tăng 67% trong 5 năm qua.

Nhà kinh tế Danny Klinefelter đang làm việc cho công ty Texas A&M cho biết: "Giá đất đang tăng mạnh, và giá ngũ cốc cũng cao giống như vào những năm 70 của thế kỷ trước. Điều này khiến tôi lo ngại nhiều".

Ông Harl, người có nhiều bài viết về cuộc khủng hoảng nông nghiệp vào những năm 80 của thế kỷ trước, nói điều cốt yếu là nông dân vay bao nghiêu tiền, và dường như con số này đang tăng lên đáng kể.

Ông Harl nói: "Giá những mặt hàng này tăng càng lâu, thì nó sẽ lôi cuốn người ta vay càng nhiều để mua đất trồng trọt và đó là lúc mọi thứ trở nên nguy hiểm".

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, số tiền nợ vay trong lĩnh vực nông nghiệp dự kiến là 228 tỷ USD vào cuối năm nay, mức kỷ lục mới trong bốn năm liên tiếp, tăng 8 tỷ USD so với năm ngoài.

Chính phủ Mỹ cho biết, phần lớn số tiền này đã được nông dân dùng để mua máy móc, thiết bị mới sản xuất ngũ cốc nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng lên về mặt hàng này.

Số tiền nợ vay để mua đất có khả năng sẽ tăng lên gần 121 tỷ USD trong năm nay, tăng 2,8%.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán, từ đầu năm 2003 đến cuối năm 2008, tổng số tiền vay đầu tư vào trồng trọt tăng thêm khoảng 52,8 tỷ USD, tương đương hơn 30%.

Những báo cáo gần đây do những tổ chức cho vay đưa ra cho thấy dự đoán này của Chính phủ Mỹ đang trở thành hiện thực.

Năm 2007, Tổ chức Farm Credit Services of Mid-America đã cho nông dân tại các bang Indiana, Ohio, Tennessee và Kentucky vay 12 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2006. Trong bản báo cáo thường niên năm 2007, tổ chức này nhấn mạnh giá nông sản cao "đã tạo ra một nền kinh tế nông nghiệp dễ biến động và rủi ro hơn nhiều".

Tổ chức Farm Credit Services of America có trụ sở tại thành phố Omaha, bang Nebraska năm ngoái đã cho 70.000 nông dân tại Iowa, Nebraska, Nam Dakota và Wyoming vay tiền với mức tăng cũng khoảng 15%.

Ông Harl nói, tình hình trong lĩnh vực trồng trọt hiện nay khiến ông nhớ lại năm 1974 hoặc 1975, vài năm trước khi "bong bóng" giá lương thực "bị vỡ".

Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các chính sách của Chính phủ Mỹ, trong đó có cấm vận xuất khẩu ngũ cốc sang Liên Xô đã làm giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu nông sản. Năng suất cây trồng vẫn cao, thặng dư thương mại vào khi đó tăng vọt và kết quả là cung quá lớn hơn cầu, kéo giá hàng hóa và giá đất trồng trọt giảm mạnh.

Đồng thời, khi đó, Chính phủ lại tăng lãi suất cho vay để kiềm chế lạm phát khiến giá đất giảm mạnh. Những nông dân từng mua đất với hy vọng thu lời từ giá nông sản cao đã lâm vào cảnh vỡ nợ.

Tài sản tịch thu để thế nợ tăng vọt trên khắp nước Mỹ, không chỉ các nông dân bị thiệt hại mà các công ty cung cấp hạt giống vật tư nông nghiệp cho họ cũng bị "tổn thương".

Ông Phil Lehman, một nông dân trồng đậu tương và ngô tại thành phố nhỏ Alleman ở bang Iowa, cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế trồng trọt vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước gần như đã làm ông ta khánh kiệt và điều này đã khiến ông thận trọng hơn khi vay tiền.

Ông Lehman nói: "Nông dân rất dễ bị thiệt hại vào thời điểm có những thay đổi đột ngột".