00:00 Số lượt truy cập: 2659900

Năm 2008, thủy sản Việt Nam vượt khó, vươn đến mức 4,5 tỷ USD 

Được đăng : 03/11/2016

Có thể nói, năm 2008 là một năm “gian khó” của ngành thủy sản nhưng lại là một năm XK thủy sản Việt Nam “vững tay chèo”…


Theo số liệu mới nhất của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, cả năm XKTS của Việt Nam đạt 1.236 nghìn tấn, trị giá 4,509 tỷ USD, tăng 33,7% về KL và 19,8% về GT so với cùng kỳ năm trước.

Nằm trong bối cảnh chung của hoạt động XK của cả nước, thủy sản Việt Nam vừa trải qua một năm đầy “sóng gió” ngay đầu năm 2008. Cả thế giới sống trong lạm phát, nền kinh tế tăng trưởng chậm, tỷ giá đồng USD bấp bênh, chi phí đầu vào tăng vọt, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng…

Trong hoàn cảnh này, người ta thấy rõ nhất sự chuyển hướng các nhà XK thủy sản Việt Nam. Họ chuyển từ “trọng tâm” của các cuộc khủng hoảng là: EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… để “khai phá” những mảnh đất mới: Nga, Ucraina, Ai Cập…

Năm 2008, Việt Nam XK thủy sản sang 160 thị trường với gần 70 loại sản phẩm khác nhau. Vượt qua khó khăn, XK thủy sản sang các thị trường chính, và các mặt hàng chính (trừ hàng khô) đều tăng, riêng tháng 12, XK chững lại hoặc giảm mạnh…

EU và Hàn Quốc - Khá ổn định

Các nhà kinh tế cho rằng, năm qua, EU vừa là nơi bắt nguồn lạm phát vừa là trung tâm của cuộc suy thoái nhưng đây vẫn là thị trường NK ổn định của thủy sản Việt Nam.

Năm 2008, EU nhập khẩu 349 nghìn tấn thủy sản Việt Nam với trị giá 1,14 tỷ USD, tăng 26% về GT, chiếm 25,4% cơ cấu thị phần của ngành thủy sản, tiếp tục giữ vị trí nhà NKTS lớn nhất.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, cũng trong năm này, Việt Nam xuất sang 26/27 quốc gia thuộc khối liên minh. Nổi bật nhất là 5 thị trường NK đơn lẻ: Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan và Bỉ. 61 sản phẩm thủy sản Việt Nam được NK vào EU trong năm này, trong đó, cá tra, basa tăng 23,8%, tôm tăng 47,6%, mực bạch tuộc đông lạnh tăng 26,6%, cá ngừ tăng 21,6% so với năm 2007… Hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của EU. Tuy nhiên, trong thời gian tới, đây vẫn là thị trường NK thủy sản ổn định và tiếp tục tăng trưởng.

Năm 2008, Hàn Quốc vẫn đứng vững ở vị trí thứ 4 trong top các thị trường NKTS Việt Nam và đứng thứ 2 về NK thủy sản khô từ Việt Nam (nửa đầu năm NK mạnh), XK tôm đông lạnh và mực bạch tuộc sang thị trường này tăng nhẹ so với năm ngoái. Tuy nhiên, XK những tháng cuối năm giảm mạnh nên tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn năm ngoái, tổng XK cả năm chỉ tăng 10%. Dự kiến thị trường đơn lẻ này tiếp tục là thị trường lớn của thuỷ sản Việt Nam song mức tăng trưởng XK sang thị trường này sẽ chững lại vào năm 2009 do kinh tế khó khăn làm giảm nhu cầu tiêu thụ.

Nhật Bản ổn định và tăng trưởng - Mỹ sụt giảm NK

Tiếp nối tình trạng tăng trưởng âm từ cuối năm 2006 và sự sụt giảm trong năm 2007 do những rào cản kỹ thuật và vấn đề ATVS. Năm 2008, Nhật Bản vươn lên hàng thứ 2 (vượt Mỹ) về NKTS từ Việt Nam với khối lượng 134,9 nghìn tấn và giá trị 828,2 triệu USD, tăng 13,2% về KL và 11% về GT so với năm 2007.

Nằm trong quỹ đạo của cuộc khủng hoảng tài chính, năm 2008, nền kinh tế Nhật cũng lún sâu vào giảm sút cho dù Chính phủ ra sức nỗ lực cứu vãn, chi tiêu thủy sản tại các hộ gia đình ở mức thấp nhất trong vòng 34 năm qua, người dân nơi đây chuyển sang các loại thực phẩm rẻ hơn. Tuy nhiên, có thể do thói quen ăn uống và thị hiếu tiêu dùng, trong năm này, Nhật Bản vẫn đứng đầu về NK tôm đông lạnh của Việt Nam. Hơn nữa, Nhật Bản cũng tăng NK cá ngừ và các loại cá biển từ Việt Nam. Ngược lại, XK mực, bạch tuộc sang nước này năm 2008 có chiều hướng chững lại, tăng 2,3% về GT so với năm ngoái.

Theo dự đoán của các chuyên gia, kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục đi xuống cho tới giữa năm 2009 và có xu hướng chuyển dần từ lạm phát sang giảm phát với biểu hiện đi xuống của hoạt động tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, hàng loạt các Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP)… có hiệu lực XK thủy sản Việt Nam sang Nhật có cơ hội đươc đẩy mạnh…

Nằm tại trọng tâm của cuộc khủng hoảng kinh tế, sự sụt giảm XK sang thị trường Mỹ đã đưa nước này từ vị trí thứ 2 xuống thứ 3 (sau EU và Nhật Bản). Năm 2008, Mỹ tụt xuống hàng thứ 2 (sau Nhật Bản) về NK tôm đông lạnh của Việt Nam, giảm NK hàng khô và các loại cá khác. Tỷ trọng của thị trường Mỹ giảm từ 20,4% xuống 16,5% trong cơ cấu thị trường XK của Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ và NK của nước này giảm. Sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ và giá cả thủy sản tăng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tiêu thụ thủy sản của nước này trong năm 2009.

Nga - Ucraina: “Hiện tượng” năm 2008

Không thể so sánh với EU, Nhật Bản, Mỹ… về giá trị NKTS, nhưng năm 2008, Nga và Ucraina đã thực sự trở thành những “hiện tượng”. Tăng 82,9% về GT, Nga trỗi dậy từ vị trí số 7 lên vị trí số 5, xét về mặt khối lượng, Nga đứng thứ 3 về NK thuỷ sản Việt Nam (sau EU và Nhật Bản). Có thể nói, năm 2008, Nga là “lực hút” lớn cho nhiều DN XK cá tra, basa Việt Nam, là thị trường đơn lẻ đứng đầu về NK cá tra, basa của Việt Nam tăng 142,5% về KL và tăng 109% về GT so với năm 2007. Đây quả thực là một mức tăng trưởng XK khá ấn tượng, song sang đến quí I/2009 XK sang Nga khó đạt được mức tăng trưởng nếu không nói là tăng trưởng âm do Cục Kiểm dịch động, thực vật Liên bang Nga (VPSS) đã ban hành lệnh cấm đối với các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam kể từ ngày 20/12/2008. Ngoài ra, đây cũng là thị trường NK chính thủy sản khô của Việt Nam (đứng thứ 4 sau ASEAN, Hàn Quốc & Trung Quốc).

Chỉ đứng thứ 7 trong Top các thị trường NK của Việt Nam, nhưng Ucraina thực sự trở thành “hiện tượng” của năm 2008 với mức tăng trưởng cao nhất trong các thị trường tăng 202,6% về KL, 221,1% về GT. Với mức tăng trưởng này, Ucraina đã thế chân Đài Loan trong Top các thị trường NK chính của Việt Nam. Năm 2008, Ucraina tăng khối lượng NK cá tra từ Việt Nam gấp 2,5 lần so với năm trước, đứng thứ 2 (sau Nga) trong các thị trường đơn lẻ NK cá tra, tăng 249% về GT so với năm 2007. Riêng hàng thủy sản khô, Ucraina tăng 120,7% về GT so với năm ngoái.

ASEAN, Ôxtrâylia, Trung Quốc + Hồng Kông

So với những năm trước, Trung Quốc+Hồng Kông giảm sút nghiêm trọng các mặt hàng thủy sản Việt Nam, tính về GT, ngoại trừ tôm và các loại cá khác, hàng thủy sản khô, cá ngừ, mực bạch tuộc đông lạnh, cá tra, basa đều giảm đáng kể. Phần lớn, Trung Quốc NK thuỷ sản chủ yếu phục vụ cho mục đích chế biến để tái xuất, song, hơn 1 năm qua, XK thuỷ sản của nước này bị sụt giảm mạnh sau khi Mỹ áp dụng lệnh cấm TS nhập khẩu từ Trung Quốc do vấn đề ATVS từ tháng 6/2007.

Năm 2008, ASEAN và Ôxtrâylia là 2 thị trường tương đối “im hơi lặng tiếng” khi giữ mức tăng trưởng ổn định so với năm 2007.

Trong một năm mà bức tranh kinh tế thế giới bị che phủ bởi những mảng tối do khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, do vậy, người ta khó có thể đoán được hệ quả đối với năm mới 2009. Tuy nhiên, năm 2009, cá tra, basa Việt Nam có thể hy vọng vào tính ổn định của thị trường EU và trông chờ vào thị trường rộng lớn Liêng Bang Nga và cá ngừ vẫn tiềm năng tăng trưởng mạnh ở các thị trường EU và Itxraen do nhu cầu tiêu thụ của các nước này…