00:00 Số lượt truy cập: 3080503

Năm 2010, nhiều lý do để tin rằng: Thị trường xuất khẩu sẽ rộng mở 

Được đăng : 03/11/2016

Năm 2009, thị trường xuất khẩu của nước ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, dấu hiệu lạc quan của những tháng đầu năm 2010 và tác động tích cực từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới khiến chúng ta có thể hy vọng vào sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu thời gian tới.


Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Quy Nhơn (Bình Định).

Nhiều dấu hiệu lạc quan

Theo khảo sát của Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) về mức độ tin tưởng của 6.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại 20 thị trường thuộc châu Á, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh, mức độ lạc quan của các DNNVV Việt Nam đạt 160/200 điểm, đứng đầu danh sách khảo sát tại các nước trong khu vực. Cụ thể, 71% DNNVV tại Việt Nam tin rằng tốc độ tăng GDP sẽ cao hơn, 23% tin rằng độ tăng trưởng sẽ không đổi, chỉ 6% nghĩ rằng tăng trưởng sẽ chậm lại trong sáu tháng đầu năm 2010. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy, có đến 66% cho biết đang lên kế hoạch tăng đầu tư vào các hoạt động kinh tế, 32% duy trì ở mức cũ và chỉ 1% có kế hoạch cắt giảm đầu tư. Một phần nhỏ các doanh nhân còn nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ hoàn toàn phục hồi vào năm 2013 (6%) hoặc trong khoảng năm 2013-2015 (6%). Điều này cho thấy sự lạc quan của các DN Việt Nam đối với triển vọng chung của nền kinh tế.

Sự lạc quan không chỉ có ở các doanh nghiệp mà còn ở các chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2009, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt trên 20 tỷ USD, giảm so với năm 2008. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn lại khá cao, gần 10 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu rộng mở

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2010, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,9 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 4,7 tỷ USD.

So với tháng trước, kim ngạch xuất - nhập khẩu giảm khoảng 21%. Đối với xuất khẩu, giá trị kim ngạch giảm vào khoảng 1,3 tỷ USD.

Trong 25 mặt hàng xuất khẩu được liệt kê, 100% đều sụt giảm về kim ngạch so với tháng trước. Tương tự, trong 28 mặt hàng nhập khẩu, chỉ có vài mặt hàng tăng kim ngạch so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2009, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 đã giảm 26%, trong khi kim ngạch nhập khẩu lại tăng khoảng 5%. Tính chung cả hai tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,713 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đến nay, tất cả các dự báo đều cho rằng năm 2010 những thị trường Việt Nam đang quan hệ đều phục hồi mạnh hơn và có mức tăng trưởng tốt. Đồng thời, ASEAN đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác và năm 2010 nhiều cam kết sẽ đi vào hiện thực. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư của nước ngoài cũng sẽ tăng lên vì Việt Nam vẫn được coi là điểm đến tốt.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm NCKT &CS (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, vấn đề quan trọng trong năm 2010 là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2009, các cân đối vĩ mô đã căng ra hết cỡ và năm 2010 là thời điểm có nhiều điều kiện thuận lợi để ổn định các cân đối vĩ mô. Cụ thể như lạm phát cũng đang ở mức độ thấp thì tránh để bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, cán cân thương mại và cân đối ngân sách cũng cần phải cân đối lại”.

Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group (một công ty tư vấn về rủi ro chính trị toàn cầu, có mạng lưới tại 65 quốc gia) nhận định trên tạp chí chính sách đối ngoại của Mỹ ngày 25/2/2010: “Có nhiều lý do để tin rằng đầu tư vào Việt Nam sẽ sớm mang lại kết quả”.

Song song đó, môi trường trong nước cũng có nhiều dấu hiệu tích cực. Việt Nam đang nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm 30% thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí giao dịch cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn cả, theo TS. Thành: “Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ sản xuất kinh doanh năng động hơn, hồ hởi hơn”.

Và những thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, năm 2010 vẫn còn không ít khó khăn từ nội tại nền kinh tế, thể hiện ở sức cạnh tranh của DN còn yếu. Phần lớn DN Việt Nam là nhỏ và vừa, nên luôn tồn tại những khó khăn về tiếp cận nguồn lực, công nghệ, kỹ năng quản lý...

Khó khăn nữa là tính bất định của kinh tế thế giới. Trong quá trình bất định ấy, những điều chỉnh chính sách của các nước cũng chưa thật rõ ràng. Và những điều chỉnh vĩ mô của các nước sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam, đến luồng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đến cách thức Việt Nam phải điều chỉnh chính sách vĩ mô. Nếu kiềm chế được lạm phát thì sẽ giữ được ổn định tỷ giá, hỗ trợ xuất khẩu và giảm nhập siêu. Vấn đề của chúng ta là cân đối thế nào giữa tăng trưởng và lạm phát? Không chỉ là vấn đề kinh tế, kiểm soát được lạm phát còn mang tính xã hội rất lớn, tức là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng có thu nhập thấp và hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.