00:00 Số lượt truy cập: 3079457

Năm 2011: Ứng dụng rộng rãi cây trồng biến đổi gen 

Được đăng : 03/11/2016
Trong tháng 5 này, Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) sẽ tiến hành khảo nghiệm diện hẹp hai giống ngô biến đổi gen là ngô kháng sâu và ngô kháng thuốc trừ cỏ. Đây được coi là sự kiện trọng đại với nông nghiệp nước ta vì lần đầu tiên, cây trồng biến đổi gen được đưa vào trồng thử.


Theo PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, quy trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen được tiến hành theo 4 bước: nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu trong nhà kính, khảo nghiệm diện hẹp và khảo nghiệm diện rộng. Tuy nhiên Việt Nam là nước đi sau nên có thể bỏ qua hai khâu đầu mà đưa vào khảo nghiệm trên diện hẹp luôn. Trong tháng 5 này, việc khảo nghiệm hai giống ngô biến đổi gen sẽ được thực hiện ở hai nơi: Trại thực nghiệm của Viện Di truyền nông nghiệp và Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương cơ sở 2 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Diện tích khảo nghiệm dự kiến khoảng 5.000m², thời gian 120 ngày. Hiện đã có 3 công ty gửi 5 giống ngô đến khảo nghiệm. Với sự kiện này, Việt Nam là nước thứ hai trong khu vực ASEAN và là nước thứ 26 của thế giới ứng dụng cây trồng biến đổi gen.

Về độ an toàn của sản phẩm cây trồng biến đổi gen, PGS.TS Lê Huy Hàm cho rằng: Trên thế giới có khoảng 350 triệu người sử dụng sản phẩm cây trồng biến đổi gen từ 14 năm nay nên có thể yên tâm về độ an toàn. Từ 1 triệu ha trồng đầu tiên ở Mỹ năm 1996, đến nay cả thế giới có 134 triệu ha cây trồng biến đổi gen. Trong số 14 triệu nông dân được hưởng lợi từ cây trồng biến đổi gen có 13 triệu người là nông dân nghèo sản xuất nhỏ lẻ, không có khả năng đầu tư lớn. Theo đánh giá mới nhất thì cây trồng biến đổi gen giảm được chi phí sản xuất 50%, tăng năng suất thu hoạch bền vững là 50%.

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cũng cho biết: Hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu tìm ra giống lúa chịu hạn, chịu mặn, nếu được áp dụng vào nước ta có ý nghĩa rất lớn. Đồng thời có nhiều sản phẩm cây trồng biến đổi gen tăng cường dưỡng chất, ví dụ gạo “vàng” biến đổi gen có hàm lượng beta-caroten (vitamin A) cao, 30ìg/g. Ngoài ra với công nghệ biến đổi gen có thể tạo được sản phẩm gạo tăng cường hàm lượng vitamin E, kẽm; ngô, cải dầu có chứa axit Omega 3 thay thế cho dầu cá… Trong tương lai chuối chuyển gen có thể mang kháng nguyên để thay cho vacine phòng chống bệnh viêm gan B do HBV... Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh: Cây trồng biến đổi gen làthành tựu khoa học đã được áp dụng rộng rãi và thành công trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp thu nhanh thành tựu khoa học này để ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cây trồng.

Theo dự kiến đến năm 2011, nước ta sẽ trồng rộng rãi cây trồng biến đổi gen và đến năm 2020, diện tích cây trồng biến đổi gen ở một số cây trồng chọn lọc sẽ chiếm 30 – 50% tổng diện tích. Chúng ta cũng đang triển khai 11 đề tài nghiên cứu giống cây trồng biến đổi gen. Tuy nhiên, để việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen nhanh chóng đi vào cuộc sống thì cần sớm hoàn thiện khung pháp lý. Thực tế trên thế giới, các nước đều ban hành luật trước khi ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định rõ vấn đề này mà Bộ NN&PTNT phải đẩy nhanh tiến độ bằng cách xin giấy phép đặc trách. Trong thời gian chờ đợi văn bản luật chính quy, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng ngay kế hoạch và chuẩn bị giống để khảo nghiệm diện rộng, dự kiến vào tháng 8/2010.