00:00 Số lượt truy cập: 3076700

Năm 2011, nhu cầu nhập khẩu sắn của Trung Quốc rất lớn 

Được đăng : 03/11/2016

Nông dân các tỉnh miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên nước ta đang thu lời khá lớn từ vụ sắn năm nay khi giá trên thị trường tăng gần gấp đôi so với 2009. Hiện giá sắn tươi tại nhiều địa phương đã lên đến 2.600 – 2.700 đồng/kg.


Giá cao

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, khối lượng sắn xuất khẩu năm 2010 lại trong tình trạng giảm mạnh do tiêu thụ sắn trong nước tăng và gia tăng xuất khẩu tinh bột đã qua chế biến, thay vì xuất khẩu sắn tươi như trước kia.

Tính trung bình cả năm, lượng xuất khẩu qua các tháng chỉ bằng một nửa so với 2009 và liên tục giảm. Tính chung, trong 11 tháng đầu năm 2010, cả nước đã xuất khẩu được 1,5 triệu tấn sắn các loại, đạt kim ngạch 465 triệu USD, giảm 51,6% về lượng và giảm 11,59% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2009. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá sắn xuất khẩu trung bình của nước ta trong nửa đầu tháng 11 năm 2010 đạt 534 USD/tấn, tăng 51 USD/tấn so với tháng trước và tăng 271 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương mức tăng gấp hơn 2 lần). Đây là mức giá xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Hiện giá sắn xuất khẩu của Việt Nam gần bằng với giá xuất khẩu của Thái Lan. Mức chênh lệch chỉ còn khoảng 60 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm lên đến trên 200 USD/tấn trong năm 2009 và những tháng đầu năm 2010.

Hơn 90% xuất qua Trung Quốc

Theo Bộ Công thương, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sắn chính của Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2010, thị trường này mua tới 1,327 triệu tấn sắn, đạt kim ngạch 384,8 triệu USD, chiếm 91% thị phần xuất khẩu sắn của cả nước.

Một số thị trường khác có mức giảm rất mạnh như Philippine giảm 99,96%; Nga giảm 92,44%; Hàn Quốc giảm 81,15%...

Thời gian qua, do thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu sắn rất lớn nên đã xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu, doanh nghiệp phải trạng tranh mua. Tình trạng càng trở nên căng thẳng hơn do gần đây, thương nhân Trung Quốc liên kết với một số đơn vị trong nước săn lùng mì ráo riết. Trước đây, sắn khô phải đáp ứng độ khô, phẩm chất tốt, không bị ẩm mốc mới bán được còn hiện tại sắn mốc, sắn tươi họ cũng mua hết. Bộ Công thương còn cho rằng, nhiều nhà máy sản xuất cồn của Trung Quốc đã được xây dựng sát biên giới với Việt Nam để thuận tiện vận chuyển nguyên liệu.

Nhu cầu rất lớn

Theo tính toán, trung bình mỗi năm, Trung Quốc nhập khoảng 5 triệu tấn sắn lát để cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp trong nước, như sản xuất tinh bột thực phẩm, tinh bột biến tính dùng trong công nghiệp, dược phẩm và sản xuất cồn sinh học.

Chính vì vậy, theo Hiệp hội Công nghiệp tinh bột Trung Quốc, hiện nhu cầu nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc không ngừng gia tăng. Trong đó, nhu cầu tinh bột sắn để chế biến miến và tinh bột biến tính khoảng 1,5 triệu tấn nhưng các nhà máy của nước này chỉ cung cấp được khoảng 800.000 tấn. Số còn lại phải nhập khẩu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan.

Hiệp hội này cho biết, những năm gần đây, công nghiệp tinh bột biến tính Trung Quốc phát triển rất nhanh, nhưng cũng không đủ cung cấp nhu cầu thị trường, mỗi năm vẫn phải nhập khẩu trên 20 triệu tấn.

Bên cạnh đó, những năm gần đây công nghệ ethanol không hạt của Trung Quốc phát triển nhanh kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sắn và phụ phẩm tăng lên. Mỗi năm Trung Quốc cần 60 triệu tấn xăng cho động cơ, trong đó cần 10% ethanol để thêm vào xăng. Như vậy sẽ cần 6 triệu tấn cồn mỗi năm, trong khi các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 1,2 triệu tấn. Vì vậy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sắn để sản xuất cồn là rất lớn.