00:00 Số lượt truy cập: 3084211

Nâng cao chuỗi giá trị hạt lúa Tháp Mười 

Được đăng : 03/11/2016
Tháp Mười hàng năm cung ứng hơn ¼ trong sản lượng 2,6 triệu tấn lúa của tỉnh Đồng Tháp. Không chỉ chú trọng tăng gia sản lượng, huyện luôn duy trì những cố gắng liên tục trong thực hiện những biện pháp kỹ thuật giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nhằm nâng cao chuỗi giá trị của hạt lúa ở ba khâu: xuống giống, bơm tưới

Kỹ sư Nguyễn Minh Tâm (ảnh), Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười cho biết:

- Một đặc điểm nổi bật của sản xuất nông nghiệp huyện Tháp Mười là đã đi tiên phong trong áp dụng biện pháp kỹ thuật sạ hàng từ năm 1997. Mỗi ha sạ hàng tiết kiệm cho nhà nông từ 80-100 ký lúa giống. Biện pháp kỹ thuật mới đầy hấp dẫn này lôi cuốn đông đảo nông dân làm theo. Từ năm 2000, UBND huyện trích kinh phí sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ nông dân 50% chi phí mua máy sạ hàng. Nhờ “biện pháp mồi” ban đầu rất hiệu quả này mà đến nay nông dân trong huyện đã mua sắm tổng cộng 3.530 máy sạ hàng trong đó 13 xã, thị trấn trên địa bàn mỗi đơn vị đều thành lập từ 2-3 tổ sạ hàng (mỗi tổ 5 máy) chuyên làm dịch vụ sạ thuê nhằm tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo ở các cụm, tuyến dân cư chống lũ. Riêng vụ đông xuân vừa qua và vụ hè thu hiện nay, đã có 50% trong tổng số 34.500 ha trồng lúa ở mỗi vụ được áp dụng biện pháp sạ hàng, tiết kiệm cho cả hai vụ là 2.824 tấn lúa giống, làm lợi cho nhà nông gần 30 tỷ đồng.

Đến nay, ở huyện Tháp Mười, tất cả trạm bơm dầu đều được thay thế bằng trạm bơm điện. Nhà nông hưởng lợi như thế nào từ chủ trương này?

- Từ nhiều nguồn vốn (nhà nước, HTX, tư nhân và người dân), huyện Tháp Mười đang đưa vào sử dụng 76 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu cho mỗi vụ lúa được 20.000 ha. Riêng hai xã Mỹ Đông (6 trạm, 2.535 ha) và Láng Biển (10 trạm, 1.986 ha) đã tưới tiêu 100% diện tích bằng bơm điện. Một trạm bơm điện phục vụ 100ha chỉ tốn từ 150-180 triệu đồng tiền điện trong khi bơm dầu phải tốn từ 200-250 triệu đồng tiền nhiên liệu, như vậy khi tham gia sử dụng bơm điện, nông hộ tiết kiệm được từ nửa triệu đồng đến 700.000 đồng/ha. Trong vụ đông xuân đã qua và vụ hè thu hiện nay, việc tưới tiêu bằng bơm điện làm lợi cho nông dân ít nhất 20 tỷ đồng. Ngoài ra bơm điện có lợi thế hơn bơm dầu như sau: Thời gian bơm ít hơn, lượng nước bơm vào và xả ra nhiều hơn; bơm tưới cùng lúc trên diện tích lớn phục vụ được việc xuống giống tập trung để né rầy.

Được biết huyện Tháp Mười cũng rất quan tâm giúp nông dân nâng cao chất lượng và giá trị hạt lúa trong khâu thu hoạch. Vậy, nông dân đã hưởng ứng như thế nào?

- Hiện nay, nông dân trong huyện đã trang bị được 273 máy gặt đập liên hợp và máy gặt xếp dãy. Theo tính toán của Trạm khuyến nông huyện, cắt lúa bằng máy rẻ hơn cắt lúa bằng tay 500.000 đồng/ha và còn được chủ máy chở lúa về nhà, và mỗi ha cắt lúa bằng máy giảm được hao hụt 600 ký lúa. Nếu tính bình quân giá một ký lúa đông xuân là 4.000 đồng thì riêng khâu thu hoạch bằng máy, nhà nông đã giảm chi phí được 2,9 triệu đồng/ha. Số máy gặt hiện có phục vụ thu hoạch cho 16.380 ha. Như vậy, chỉ riêng vụ đông xuân, máy gặt đã đem lại cho nông dân huyện Tháp Mười lợi ích tương đương 47,5 tỷ đồng. Ngày càng có nhiều người làm chủ từ 2 –4 máy gặt như các ông Bùi Thanh Vệ (xã Phú Điền), Phạm Chí Cần (xã Trường Xuân ), Lê Văn Năm (xã Láng Biển), Nguyễn Văn Thắng (xã Hiệp Thạnh), Phạm Thị Tâm (xã Mỹ Hòa )... Thực tế cho thấy trong vòng chưa tới hai năm chủ máy đã thu hồi đủ vốn và có lợi nhuận rất thuyết phục.

Xin cảm ơn ông