00:00 Số lượt truy cập: 3082683

Nâng cao năng lực cạnh tranh: Chất lượng là yếu tố quyết định 

Được đăng : 03/11/2016
“Mặc dù nước ta có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, nhiều mặt hàng có sản lượng thuộc hàng nhất nhì thế giới nhưng trên thực tế, thị trường và giá cả vẫn chưa ổn định, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới kém.

Nếu không đảm bảo các quy định về VSATTP, nông sản Việt khó cạnh tranh.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, việc kiểm soát chất lượng phải chặt chẽ hơn”, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nhận định.

Xuất khẩu bị ép giá

Những năm gần đây, Việt Nam luôn được coi là cường quốc về xuất khẩu nông sản. Quy mô thương mại nông, lâm, thủy sản ngày càng được mở rộng cả về thị trường và ngành hàng; giai đoạn 2006 – 2008, trung bình xuất siêu trên 2,6 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Đào Xuân Học đánh giá, mặc dù có vị thế lớn song kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa tương xứng với lợi thế, thậm chí giá xuất khẩu luôn bị ép ở mức thấp. Lý giải về tình trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề cốt lõi là chất lượng bị coi nhẹ.

Theo ông Hào, 90% nông sản của Việt Nam phải “khoác áo” thương hiệu nước ngoài mới xuất khẩu được. “Sở dĩ chúng ta phải đi đường vòng vì khâu chế biến của các doanh nghiệp quá kém, đặc biệt là chất lượng không đảm bảo”, ông Hào thừa nhận. Lấy dẫn chứng về vấn đề này, ông Hào cho biết, trái cây nước ta tương đối phong phú song chất lượng, hình dáng không đều, một số quy trình trồng trọt bị cho là thiếu an toàn. Chính vì vậy, ngay cả thị trường Trung Quốc cũng giảm số lượng nhập khẩu trái cây của Việt Nam từ 140 triệu USD (năm 2001) xuống còn 20 triệu USD hiện nay.

Không chỉ mặt hàng rau, những năm gần đây, ngành điều nước ta cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu, đáng lẽ các doanh nghiệp phải khống chế được thị trường và quyết định giá nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Vì bán hàng thô, chưa qua chế biến, không xây dựng được thương hiệu, không có nhãn mác nên doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu.

Bức xúc về vấn đề này, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nói: “Đến nay, có thể khẳng định gạo của nước ta giữ vị trí quan trọng trong đời sống của hàng triệu người dân trên khắp thế giới, nhưng mặt hàng này vẫn bị doanh nghiệp nước ngoài chê chất lượng thấp, ít có gạo đặc sản, gạo chất lượng cao”.

Nâng cao chất lượng nông sản

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2015, hình thành các vùng chăn nuôi trồng trọt tập trung, các cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm sản được giám sát, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; 90% mẫu thực phẩm nông, lâm sản được kiểm tra đạt quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; 80% cảng cá, cơ sở thu mua nguyên liệu sơ chế áp dụng GMP (thực hành sản xuất tốt), SSOP (quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh); 100% các cơ quan địa phương có triển khai hoạt động giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa thủy sản trước khi đưa ra thị trường...

Việc phát triển thương mại hàng nông, lâm, thủy sản cần tập trung vào những mặt hàng có lợi thế so sánh như lúa gạo, càphê, cao su, hạt tiêu, thủy sản. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản vào các thị trường lớn, tiềm năng như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga... Đồng thời, quan tâm mở rộng thị trường mới ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Trung và Nam Mỹ... Tập trung thực hiện cam kết với các tổ chức quốc tế, các hiệp định song phương và đa dạng trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam tham gia. Theo dõi vòng đàm phán Doha về thương mại hàng nông sản để kịp thời kiến nghị điều chỉnh chính sách thương mại trong nước nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động do hội nhập đem lại.

Bên cạnh đó, kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, chú trọng công tác xã hội hóa các dịch vụ công. Duy trì ổn định, hiệu quả hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức và trách nhiệm người dân và doanh nghiệp về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chỉ khi nào nông sản có chất lượng, có thương hiệu, khi đó nông, lâm sản nước ta mới đứng vững trong quá trình cạnh tranh và hội nhập.