Ai từng đến thăm cơ nghiệp của Huân đều không thể tưởng tượng được rằng, chuỗi ngày gian khó nơi công trường đầy nắng, gió chính là động lực thôi thúc anh làm giàu. Gắn bó với nghề nấm, anh dần phát triển từng bước từ trồng, chế biến đến phân phối sản phẩm ra thị trường. Huân từng là giám sát thi công xây dựng. Đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, Huân nghĩ tại sao mình không thể làm giàu tại chính đồng đất quê hương. Và rồi, mặc cho anh em bạn bè khuyên nhủ, Huân vẫn xin nghỉ việc, về quê lập nghiệp bằng nghề trồng nấm, cái nghề mà theo anh vừa sạch, vừa có sản phẩm dùng làm thuốc, lại cho thu nhập cao. Nghĩ thì dễ, ý tưởng hay nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại vấp phải muôn vàn khó khăn. “Bởi, bao năm theo nghề xây dựng nên việc trở lại với nghề nông, nhất là trồng nấm luôn đòi hỏi kỹ thuật cao khiến tôi không khỏi bỡ ngỡ”, Huân thổ lộ. Đầu năm 2005, anh khăn gói đến Viện Di truyền nông nghiệp (Hà Nội) rồi sang tận Phúc Kiến, Nam Ninh (Trung Quốc) để học cách trồng, chế biến nấm. Khi đã tích lũy được kiến thức, anh bắt tay vào thực hiện. Ban đầu, anh trồng nấm rơm, nấm sò (nấm bào ngư), mộc nhĩ. Sau khi thành công, anh tiếp tục thử nghiệm thêm giống nấm Linh Chi, loại nấm khó trồng nhưng giá trị kinh tế cao. Đầu năm 2006, với 50 triệu đồng vốn vay của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, anh thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thiên Sơn chuyên kinh doanh các sản phẩm sinh học, chủ yếu là nấm. Từ ngày thành lập doanh nghiệp, công việc làm ăn của Huân ngày một phát đạt. Mỗi năm, doanh nghiệp của anh xuất khoảng 5 tạ nấm rơm, gần 30 tấn nấm sò, 2 tạ mộc nhĩ khô, trên 3 tạ nấm Linh Chi ra thị trường các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... Riêng nấm Linh Chi, anh còn dùng để ngâm rượu mang nhãn hiệu Thiên Sơn bán ra thị trường. Năm 2008, doanh nghiệp thu về gần 500 triệu đồng từ trồng, kinh doanh nấm, trừ chi phí, lãi 200 triệu đồng. Tháng 10/2008, sản phẩm của Thiên Sơn được chọn đi dự Hội chợ triển lãm nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội và được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã; được nhiều công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Sau gần 5 năm gắn bó với nghề cũng là thời gian giúp anh hiểu rõ hơn về kỹ thuật trồng nấm. Anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai chọn mô hình này. Huân tâm sự: “Trồng nấm không khó, chỉ cần có đủ nguồn nguyên liệu như rơm, mùn cưa kết hợp với kỹ thuật chăm sóc đơn giản là có thể thành công. Với 1kg rơm khô có giá 5.000 đồng sẽ thu được 1kg nấm tươi với giá xuất xưởng 15.000 - 20.000 đồng/kg (giá bán lẻ ngoài thị trường lên tới 30.000-40.000 đồng, riêng nấm Linh Chi lên tới 500.000 đồng/kg). Theo anh Huân, nấm dễ trồng, giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, vì vậy trồng nấm là hướng đi đúng cho những ai muốn làm giàu từ kinh tế trang trại. Thời gian tới, anh sẽ mở rộng nhà xưởng lên trên 1.000m2, tập trung vào trồng nấm sò, nấm Linh Chi. Bên cạnh việc trồng nấm, anh còn trồng gần 2.000 cây đào đá, trong đó hơn 500 cây có tuổi đời trên 3 năm và 2ha keo, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Huân còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Hiện, anh là uỷ viên Ban chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã Sơn Dương. Anh cho biết, tham gia hoạt động đoàn thể giúp anh có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm với nhiều người. Với đức tính cần cù, ham học hỏi, anh Huân đã từng bước gây dựng được trang trại trồng nấm có tiếng trong vùng... |