00:00 Số lượt truy cập: 3064522

Nâng tầm cây cao su 

Được đăng : 03/11/2016

Tính đến nay, vừa tròn 110 năm cây cao su được du nhập vào Việt Nam (1897) và 100 năm hình thành những đồn điền kinh doanh (1907). Diện tích trồng cây cao su đã tăng rất nhanh, từ 7.077 ha tập trung tại các tỉnh Đông Nam Bộ vào năm 1920; đã tăng lên đến 480.200 ha trên cả nước, cho tổng sản lượng mủ khai thác đạt 468.600 tấn. 

 

 


Còn việc phát triển cây cao su trong nước thì sao?

Theo các chuyên gia ở Tập đoàn Cao su Việt Nam, vào năm 2010, diện tích cao su có thể đạt mức 700.000 ha; trong đó diện tích khai thác từ 420.000 đến 450.000 ha và cho sản lượng trên 600.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ được ở mức trên 1 tỷ USD. Đến năm 2015, diện tích khai thác đạt 520.000 đến 530.000 ha, và sản lượng ước đạt 750.000-800.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ-1,6 tỷ USD.

Phát triển nhanh và bền vững

Những số liệu ghi nhận được cho thấy, việc phát triển mạnh mẽ cây cao su trong cả nước chỉ được bắt đầu từ sau năm 1975. Nhất là từ năm 1982, Nhà nước có chiến lược đẩy mạnh tốc độ phát triển ngành cao su, và diện tích trồng mới đã tăng nhanh từ 5.000 ha/năm lên 20.000 ha/năm. Trong những năm 1990, cao su tiểu điền lại được khuyến khích phát triển không chỉ trong những dự án của Nhà nước, mà phần lớn do dân tự đầu tư.

Theo thống kê năm 1976, tổng diện tích cao su mới chỉ có 76.600 ha (riêng các tỉnh phía Bắc có khoảng 5.000 ha), với sản lượng 40.200 tấn. Năm 2005, cả nước đã có 480.000 ha, và đạt sản lượng 468.600 tấn mủ. Riêng khối quốc doanh có khoảng 287.800 ha (chiếm 72,7%) và 380.500 tấn (81,2%) với năng suất khá cao, do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và giống cao sản. Diện tích cao su tiểu điền và tư nhân ước khoảng 194.370 ha (chiếm 40,5% tổng diện tích) và sản lượng khoảng 88.000 tấn (chiếm 19% tổng sản lượng).

Ông Lê Quang Thung xác nhận, vị thế của ngành cao su Việt Nam trên thế giới ngày càng được khẳng định. Trước năm 2005, Việt Nam là nước sản xuất cao su thiên nhiên đứng thứ 6 trên thế giới (sau các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, và Trung Quốc).

Năm 2005, nhờ sản lượng tăng nhanh hơn Trung Quốc, Việt Nam đã vươn lên hàng thứ 5. Riêng về xuất khẩu, từ nhiều năm qua Việt Nam đứng hàng thứ 4, với sản lượng tăng dần qua các năm, từ 273.400 tấn (năm 2000), lên 308.100 tấn (2001), 454.800 tấn (2002), 433.106 tấn (2003), 513.252 tấn (2004), 587.110 tấn (2005) và 690.000 tấn (năm 2006).

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao su của Việt Nam trong giai đoạn 2001-2006 bình quân đạt 17,66%/năm, là cao nhất so với các nước Thái Lan (2,37%), Indonesia (5,27%), Malaysia (3,52%). Năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 804 triệu USD (xếp thứ 2 trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu sau gạo); năm 2006 đã đạt 1,27 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước tới nay.

Theo tính toán, năm 2006, bình quân mỗi ha cao su đã đạt mức tổng thu khoảng 46 triệu đồng (đối với khối quốc doanh), và khoảng 27 triệu đồng (đối với cao su tiểu điền), riêng của Tổng công ty Cao su Việt Nam đạt mức bình quân hơn 50 triệu đồng/ha.