Năm 2006, anh Lâm từ quê nhà (huyện Cái Bè, Tiền Giang) đến Đồng Tháp lập nghiệp. Với số vốn ít ỏi, anh đầu tư chăn nuôi trên phần đất rộng hơn 7.000m2 mượn của người thân. Ban đầu, anh nuôi gà sao, heo rừng rồi heo thịt nhưng đều thất bại. Sau nhiều lần thua lỗ nặng, anh Lâm quyết định chuyển sang nuôi gà vườn, mục đích ban đầu chỉ là nuôi gà thịt, vì thị trường khá ưa chuộng loại gà này do thịt ngon hơn gà công nghiệp.
Hệ thống lò ấp hoạt động bằng điện của gia đình anh Lâm. |
Khi đàn gà ngày càng nhiều, nhận thấy nhu cầu gà giống khá cao, anh chuyển hẳn sang nuôi gà giống theo đơn đặt hàng. Hiện tại, tổng đàn gà giống của gia đình có hơn 400 con gà mái và 45 con gà trống với sản lượng khoảng 160 trứng/ngày. Đồng thời, cách nuôi gà của anh cũng được cải tiến để đáp ứng nhu cầu cung ứng con giống sạch bệnh. Anh Lâm chia sẻ: “Đàn gà đều được tiêm phòng cẩn thận, nuôi nhốt riêng từng khu để tránh dịch bệnh. Vì vậy, chất lượng con giống được đảm bảo”.
Đàn gà đẻ trứng của anh Lâm được nuôi thành từng khu riêng với mỗi chuồng 12m2 nhốt 11 con gà mái, 1 con gà trống. Nền sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh BALASA No1, trấu để đảm bảo chuồng sạch sẽ, phân gà sẽ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường. Theo anh Lâm, thấy người dân dùng đệm lót sinh học để nuôi heo, nghĩ có thể áp dụng để nuôi gà được thì làm thử. Khi sản lượng trứng nhiều, anh đầu tư 4 máy ấp trứng hiện đại hoạt động bằng điện. Trong đó, 3 máy công suất 500 trứng và 1 máy công suất 1.500 trứng/lượt để đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi xung quanh.
Hiện tại, cứ 3 ngày, gia đình anh Lâm cho xuất 1 lần gà giống với khoảng 350 con, giá bán 15.000 đồng/con. Nông dân muốn mua con giống đều phải đặt hàng trước 1 tháng. Cách làm của anh Lâm là sản xuất khép kín từ nuôi gà bố mẹ đến ấp trứng, bán con giống đảm bảo chất lượng, nên người dân rất tin tưởng.
Theo anh Lâm, đây là mô hình nuôi khép kín, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại. Do sản xuất không cung cấp đủ nhu cầu thị trường, dự kiến trong thời gian tới, gia đình anh sẽ mở rộng quy mô lên gấp đôi theo mô hình trang trại hiện đại, sản xuất theo nhu cầu thị trường, khi nông dân đặt hàng mới sản xuất.