00:00 Số lượt truy cập: 3076641

Ngăn chặn tôm chứa tạp chất ngay từ khâu trước chế biến 

Được đăng : 03/11/2016

Cho đến cuối năm 2010, tệ nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và tình hình sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại thời điểm tôm nguyên liệu khan hiếm và giá tăng cao.


Tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ngăn chặn tạp chất trong tôm do Bộ NN và PTNT tổ chức ngày 15/12/2010 tại Cà Mau, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lương Lê Phương đánh giá, chiến dịch ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất tại ĐBSCL đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu, nhất là ở công đoạn chế biến. Tuy nhiên, tệ nạn này vẫn chưa triệt được tận gốc do các cơ quan chức năng địa phương chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp kiểm soát ngăn chặn ngay ở khâu thu mua và sơ chế trước khi đưa vào nhà máy.

Theo NAFIQAD, tính đến ngày 19/01/2011, có 25 DN vi phạm lần đầu hành vi bơm chích tạp chất, chủ yếu là DN tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Khánh Hòa. NAFIQAD quyết định đình chỉ hiệu lực trong thời gian 06 tháng công nhận về điều kiện đảm bảo VSATTP của 06 cơ sở tiếp tục tái phạm các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Điều đáng mừng, cho đến nay, đã có hơn 10 DN được rút khỏi danh sách cơ sở có hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Trước đó, theo thống kê của Tổ công tác kiểm tra ngăn chặn các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, từ tháng 5 - 12/2010, tổ đã kiểm tra đột xuất tại 85 đơn vị thu mua chế biến tôm ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang với tổng số 169 lượt kiểm tra. Qua đó, đã phát hiện 21 đơn vị, với 48 vụ (có đơn vị vi phạm 2-3 lần) vi phạm có tôm tạp chất. Cao điểm có những tháng phát hiện cả chục vụ vi phạm (tháng 7 phát hiện 16 vụ, tháng 9 có 12 vụ, tháng 10 có 7 vụ).

Theo phản ánh của một số DN chế biến tôm tại ĐBSCL, mấy tháng cuối năm 2010, nhiều thương nhân Trung Quốc đổ xô xuống ĐBSCL thu mua tôm bơm tạp chất (!) với giá cao rồi vận chuyển về nước theo đường tiểu ngạch. Công tác bắt giữ, kiểm tra việc bơm chích tạp chất và tiêu thụ tôm của các cơ quan chức năng trở nên khó khăn do một số hộ nuôi câu kết cùng các đại lý và thương nhân Trung Quốc tổ chức bơm chích và vận chuyển tiêu thụ.

Hơn nữa, các thủ đoạn bơm chích tạp chất vào tôm cũng được tiến hành một cách tinh vi hơn. Các địa điểm bơm chích được đẩy lùi vào các “vùng sâu vùng xa” để lực lượng quản lý khó phát hiện, thậm chí tôm có tạp chất còn được “ngụy trang” bằng nhiều cách rất khéo léo để qua mắt các lực lượng kiểm soát trên đường lưu thông.

Để tiếp tục chiến dịch và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tệ nạn này, tại hội nghị nói trên, Thứ trưởng Lương Lê Phương đề nghị UBND các tỉnh trọng điểm quyết liệt triển khai các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở thu gom, sơ chế trên địa bàn quản lý. Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ thị xuống các cấp địa phương nghiêm túc kiểm điểm, chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ vi phạm về tạp chất, kiểm điểm, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức tiếp tay, bao che cho các cơ sở có hành vi vi phạm.

Thứ trưởng Lương Lê Phương yêu cầu NAFIQAD phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở trước chế biến tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. NAFIQAD có trách nhiệm xây dựng và trình Bộ NN và PTNT ban hành quyết định kiểm tra, chứng nhận chất lượng, VSATTP đối với 100% lô tôm trước khi đưa ra thị trường, tuyệt đối không để tôm và các sản phẩm tôm có chứa tạp chất được tiêu thụ.