Ngành điều bỏ ngỏ thị trường trong nước
Được đăng : 03/11/2016
“Sản xuất nông nghiệp sẽ phải cơ cấu lại, để đạt hiệu quả tốt hơn, phù hợp với xu thế hội nhập. Những mặt hàng có thế mạnh sẽ được ưu tiên phát huy và không sản xuất mặt hàng kém cạnh tranh”. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nhấn mạnh.
Xét về khía cạnh này, ngành điều có năm lợi thế: năng suất trên 1 tấn hạt/ ha (cao gần gấp đôi so với các nước), chất lượng khá tốt, giá thành thấp, sản lượng cao và chiếm một thị phần khá lớn trên thị trường thế giới. Như vậy, có thể nói, ngành điều có chỉ số cạnh tranh cao so với các ngành hàng khác khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng để phát triển bền vững, ngành điều cần phải được tổ chức lại, từ vùng nguyên liệu, đến khâu thu mua, chế biến.
Thiếu lao động chế biến
Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (QH-TKNN), mặc dù ngành điều về trước kế hoạch (năm 2010) cả bốn chỉ tiêu (nhân điều thô, giá trị sản lượng, kim ngạch xuất khẩu và năng lực chế biến), diện tích đạt trên 127% kế hoạch, nhưng có sự khác biệt giữa các vùng nguyên liệu, trong đó, Đông Nam bộ và Tây Nguyên đạt mức cao (150% - 148%), duyên hải Nam Trung bộ (chỉ đạt 51,82%), vùng đồng bằng sông Cửu Long (26,75%).
Năng suất bình quân của cây điều tăng trưởng 6,55% trong 10 năm qua nhưng chỉ có miền Đông Nam bộ và Đác Nông, Đác Lắc đạt cao hơn 1,06 tấn hạt/ ha. Như vậy, ngành điều chỉ nên trồng tập trung tại vùng Đông Nam bộ (Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh…) và Tây Nguyên (Đác Nông, Đác Lắc…) do phù hợp điều kiện sinh thái, không nên trồng tại duyên hải miền trung.
Vì vậy, cần xác định lại diện tích, chỉ giữ mức hiện nay, khoảng 433.000 ha, thay vì 500.000 ha vào năm 2010, do phải thu hẹp diện tích ở những vùng không phù hợp và bị cây khác cạnh tranh. Và cũng cần phải thay đổi nhận thức khi cho rằng, cây điều là cây xóa đói giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh cho biết, thu nhập từ cây điều chỉ ở mức 12-18 triệu đồng/ha/năm, nếu không kịp thời đầu tư, nâng cao năng suất, sẽ bị cây khác cạnh tranh. Cần tập trung đầu tư để có thể nâng năng suất bình quân lên khoảng 1,4 - 2 tấn hạt/ha và Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn trong phòng chống sâu bệnh hại cây điều, không để bà con “tự bơi” như hiện nay. Cùng với hồ tiêu, điều là cây trồng ít nhận được sự hỗ trợ hay đầu tư của Nhà nước. Muốn có vùng nguyên liệu mạnh, bản thân người trồng phải có thu nhập không chỉ ổn định mà còn phải cao, mới đủ khả năng cạnh tranh với những loại cây khác.
Và một thực tế khác, Đông Nam bộ cũng là vùng kinh tế động lực, trong đó, ngành công nghiệp có tốc độ phát triển rất mạnh, không chỉ làm giảm diện tích nông nghiệp mà còn thu hút lao động từ các nhà máy chế biến hạt điều khu vực, nhất là ngành may mặc, khiến cho lao động ngành chế biến hạt điều thiếu hụt nhiều năm nay và ngày càng thêm trầm trọng. Một chủ doanh nghiệp (DN) cho rằng, điều bức xúc nhất hiện nay là nhanh chóng cơ giới hóa phần chế biến, nhất là khâu bóc, tách vỏ lụa.
Phải xúc tiến thương mại ngay trong nước
Mức tăng trưởng cao, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu điều đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Số nhà máy chế biến từ 60 lên 219 cơ sở, với công suất thiết kế 674.200 tấn/năm, nhiều nhà máy thành lập sát vùng nguyên liệu. Mười công ty, nhà máy chế biến được cấp giấy chứng nhận chất lượng và quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO, 7 DN đạt tiêu chuẩn HACCP.
Thị trường xuất khẩu ngành điều mở rộng 40 quốc gia, trong đó, thị trường khó tính như Mỹ chiếm tỷ lệ 42%, Trung Quốc (bao gồm Hồng Công) 17%, Australia 10%, Anh và Canada trên dưới 5%. Các nhà máy luôn được đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ để giữ vị thế mạnh trên thị trường thế giới. Đó là những thành quả không phải ngành nào cũng có được, nhưng những người trong ngành thừa nhận, một giai đoạn khá dài ngủ quên trên chiến thắng, sau khi các DN chuyển từ xuất khẩu điều thô qua xuất điều nhân - một cuộc “cách mạnh” thực sự lúc đó, làm thay đổi vị thế ngành điều Việt Nam.
Nhưng hơn mười năm qua cũng chỉ dừng lại ở loại sản phẩm này - điều nhân, thực chất là bán thành phẩm, các tập đoàn nhập về còn phải qua khâu chế biến tiếp và tiêu thụ. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội cây Điều Việt Nam Nguyễn Thái Học cho rằng, WTO tạo ra giai đoạn mới của ngành điều, trong đó, cần xây dựng những DN đầu tàu để điều tiết sản xuất từng khu vực, tuyển chọn giống có chất lượng để nâng cao năng suất hơn nữa. Nếu không, với biểu thuế xuất nhập khẩu mặt hàng hạt điều thô là 0%, các tập đoàn chế biến hạt điều thế giới (như Olam của Ấn Độ, đã hoạt động ở Việt Nam khá lâu) với các chiến thuật và đồng vốn mạnh trên thương trường sẽ nắm giữ phần lớn nguồn nguyên liệu tốt để củng cố thương hiệu và biến các DN Việt Nam thành nơi gia công.
Vì vậy, phải dứt khoát tạo ra sự đột phá về thương hiệu Việt Nam tên thương trường quốc tế. Một cuộc “cách mạng” lần thứ hai. Dù rất khó khăn khi xâm nhập vào thị trường nước ngoài với thương hiệu Việt Nam, nhưng có mạnh dạn làm mới có thể xâm nhập. Và cần phải xúc tiến thương mại… ngay trong nước. Khoảng 97% sản lượng điều để xuất khẩu, tiêu thụ trong nước chỉ chiếm 3% là con số quá nhỏ so với Ấn Độ (50%-50%). Đây là điều rất quan trọng, trong qua trình hội nhập và cạnh tranh khi Việt Nam đã ra “biển lớn”.