00:00 Số lượt truy cập: 3041859

Ngày mùa ở Mù Cang Chải 

Được đăng : 03/11/2016

Tháng 10, những cánh đồng bậc thang lượn quanh sườn núi ở Mù Cang Chải lúa đã chín rộ. Nắng thu như muốn tô thêm sắc vàng lúa chín. Năm nay, Mù cang Chải được mùa lớn, niềm vui được mùa hiện rõ trên nét mặt người nông dân.


Dọc tuyến quốc lộ từ xã Cao Phạ đến Hồ Bốn đâu đâu cũng thấy những vạt nương, những thửa ruộng bậc thang nối đuôi nhau leo lên tận lưng chừng núi. Có mặt ở xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn - những nơi được ví như “trung tâm” ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, chúng tôi bắt gặp từng tốp ba bốn người trong các gia đình, có tốp mang theo cả gia đình gồm vợ, chồng và con cái đi gặt lúa.

Vợ chồng Hờ A Dinh ở bản Trống Tông đang mải mê gặt lúa, nhưng vẫn dành chút thời gian tâm sự: "Nhà có 6 mảnh ruộng thế này, năm nay lúa chín muộn hơn mọi năm như lúa rất tốt, chắc chắn là đủ gạo ăn rồi”. A Dinh nói rồi vung từng bó lúa đập vào thùng gỗ kêu bình bịch, tiếng lúa rơi rào rào xuống đáy thùng lạo xạo. Phụ nữ Mông vốn ít nói, hay làm, nhất là những người không thân quen, nhưng chị vợ anh Dinh thì khác. Chị nói với chúng tôi rất hồ hởi: " Nhiều thóc là nhờ giống lúa lai đấy! Lúa lai đã đủ gạo ăn và nhà mình cấy cả lúa nếp để thỉnh thoảng đồ xôi nữa”.

Anh Nguyễn Văn Toàn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phấn khởi cho biết: "Năm nay ngành nông nghiệp huyện gặp nhiều khó khăn về thời tiết nhưng bà con nông dân vẫn cấy vượt diện tích. Vụ mùa toàn huyện đưa vào gieo cấy 2.344 ha và trên 1400 ha lúa nương, năng suất lúa ruộng ước đạt 36 tạ/ha tăng 3 tạ so với năm 2007".

Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực cao của chính quyền, các ban ngành và sự nỗ lực của bà con nông dân trong huyện, nhất là vai trò "đứng mũi chịu sào" của ngành nông nghiệp. Với nhận thức vụ mùa có vai trò quan trọng trong việc bù đắp lượng lương thực thiếu hụt trong vụ lúa xuân do đợt rét đậm gây ra hồi đầu năm, phòng Nông nghiệp vừa vận động nhân dân không để ruộng bị bỏ hoang vừa kịp thời chuẩn bị giống, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ cho bà con. Hơn 35 tấn giống Nhị Ưu 838 cùng 9 tấn lúa giống hỗ trợ của Chương trình 135 nhanh chóng được chuyển đến các xã. Ngoài những chính sách hỗ trợ của nhà nước, bà con trong huyện còn tự mua thêm hơn 10 tấn giống lúa lai các loại đưa vào gieo cấy, đưa tỷ lệ cơ cấu giống mới lên trên 70% diện tích.

Để đảm bảo lượng nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành rà soát lại công trình thuỷ lợi ở các xã. Công trình nào bị hư hỏng thì vận động nhân dân sửa chữa lại, đồng thời nạo vét khơi thông các tuyến kênh mương bị vùi lấp để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng.

Có thể nói, năng suất lúa ổn định như năm nay còn do huyện Mù Cang Chải đã thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo phát hiện kịp thời tình hình sâu bệnh hại lúa để phòng trừ. Trạm Bảo vệ thực vật huy động cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở chỉ đạo các xã phòng chống dịch bệnh. Cấp 462 kg thuốc các loại để phun phòng trừ, ngoài ra, còn tổ chức được 9 lớp tập huấn ngắn hạn về công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng cho 420 học viên. Trên 420 bộ tài liệu giới thiệu về một số đối tượng sâu hại lúa, đậu tương, ngô cho nông dân…

Bên cạnh đó, còn tuyên truyền vận động nông dân tích cực ra đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh. Nhờ chỉ đạo quyết liệt nên huyện đã dập tắt được rầy nâu, rầy lưng trắng nhỏ... trên diện rộng vào đầu tháng 9.

Các xã như Nậm Khắt, Púng Luông thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá, ngày nắng trong năm ít nên thời gian sinh trưởng của cây lúa dài, vì vậy phải cấy sớm nên lúa mùa chín cũng sớm hơn các xã khác. Nhiều thửa ruộng đã thu hoạch, còn ngổn ngang gốc rạ. Huyện phấn đấu vào trung tuần tháng 10 là kết thúc việc thu hoạch lúa mùa.

Niềm vui được mùa lan toả khắp bản làng. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, nhiều thửa ruộng lúa đã chín vàng xuộm nhưng bà con chưa gặt. Cụ thể như cánh đồng Sân Bay, bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, thấy lúa chín vàng nhưng bà con vẫn để ngoài đồng. Đem thắc mắc này hỏi ông Giàng A Phua là một người dân trong bản cho biết: "Người Mông ở đây phải để lúa chín khô mới ra đồng gặt. Gặt xong phơi ngoài ruộng 2-3 ngày mới chuyển lúa về nhà. Một phần là do tập tục của người Mông, phần do không có sân bãi để phơi lúa nên để lúa ngoài ruộng".

Qua quan sát chúng tôi thấy tỷ lệ lúa chín rơi vãi ra rất lớn, đấy là chưa kể đến chuột, bọ, gia súc, gia cầm, chim chóc gây hại. Những vấn đề về thu hoạch, bảo quản sau khi thu hoạch và sân bãi để bà con phơi lúa rất cần ngành nông nghiệp quan tâm. Đồng thời, để đảm bảo thời gian tập trung sản xuất cây vụ đông, góp phần đảm bảo an ninh lương thực đang được các hộ nông dân ở Mù Cang Chải tích cực phấn đấu.