00:00 Số lượt truy cập: 2669872

Nghệ An - Vì sao mô hình cánh đồng thu nhập cao khó mở rộng? 

Được đăng : 03/11/2016
Qua 3 năm tổ chức xây dựng, tỉnh đã có 19 mô hình cánh đồng có thu nhập cao. Trong đó có nhiều mô hình thực hiện cơ cấu luân canh mỗi năm 3-4 vụ, đạt tổng thu trên 100 triệu đồng, trong đó lãi thuần 50 triệu đồng/ha/năm.

Tiêu biểu năm 2005 Trạm Khuyến nông Nghi Lộc đã xây dựng mô hình luân canh trên đất màu theo công thức: dưa gang, dưa chuột vụ xuân - dưa chuột vụ hè- xu hào, rau cải vụ đông trên diện tích 5 ha đã cho tổng thu nhập 104,1 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi 56,6 triệu đồng/ha. Tại Diễn Châu, với công thức cà chua, bắp cải xuân - dưa hấu vụ hè - xu hào, rau vụ đông đã cho tổng mức thu cả năm 91,8 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 44,45 triệu đồng. Không chỉ trên đất màu các mô hình cho thu nhập cao mà ngay trên đất ruộng tại Hưng Nguyên sau khi thực hiện công thức canh tác lúa cá vụ xuân- lúa cá hè thu- cá vụ đông, 5 ha ruộng trũng của xã Hưng Tiến cũng đã đem về tổng thu 83,2 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư còn lãi thuần 35,9 triệu đồng. Tại cuộc hội thảo mới đây do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức đã khẳng định 19 mô hình được xây dựng trong 3 năm do Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo hướng dẫn đều cho tổng thu nhập từ 51 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Mặc dù hiệu quả của các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, việc mở rộng mô hình xem ra rất chậm và đầy khó khăn. Để có được những cánh đồng chuyên canh có diện tích lớn, thu nhập cao (140 ha, thu nhập bình quân 70 triệu đồng/ha/năm) như xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) là vô cùng hiếm.

Vậy tại sao việc nhân các mô hình trên diện rộng lại chưa đạt kết quả? Qua tìm hiểu được biết, khi tổ chức sản xuất trên phạm vi rộng làm sản phẩm làm ra tiêu thụ gặp ách tắc. Nhiều lão nông cho biết: làm ít đang bán được, nhưng làm với diện tích lớn, tạo sản phẩm nhiều, nông dân chẳng biết bán đi đâu! Điều này cho thấy, việc xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao chưa gắn chặt với công tác quy hoạch kế hoạch và xây dựng phương án giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Ở các nước phát triển, sản xuất nông nghiệp hàng hoá với quy mô lớn không phải ngay sau khi làm ra sản phẩm người nông dân phải tự mang từng mớ rau, con cá đi bán mà phải nhờ lực lượng thương mại dịch vụ. Lực lượng này có bề dày kinh nghiệm trong bảo quản, sơ chế, biết kết nối với thị trường sẽ giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm với khối lượng lớn. Ở tỉnh ta, ngoài xã Quỳnh Lương thì hầu hết đang chỉ mới đơn thuần xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao, mà chưa quan tâm chăm lo xây dựng hệ thống dịch vụ, thông tin quảng bá, thu gom, tiêu thụ sản phẩm mà đang làm theo cách cũ "tự sản, tự tiêu", thì khó tránh khỏi hậu quả thất bại.

Mặt khác, trong xây dựng cánh đồng thu nhập cao, nhiều nơi chưa dựa vào nhu cầu, của thị trường trong và ngoài nước để tổ chức sản xuất. Phần lớn các nơi đang tổ chức sản xuất theo cái mình có chứ không phải sản xuất theo nhu cầu thị trường cần, ít chú ý đến công nghệ sản xuất thâm canh theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ là điều tất yếu.

Để nhân rộng cánh đồng có thu nhập cao theo kinh nghiệm từ Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) điều cốt yếu là phải đổi mới tư duy sản xuất kinh doanh, lấy thị trường làm căn cứ xây dựng cơ cấu cây trồng và quy hoạch vùng sản xuất. Trong quá trình sản xuất phải đầu tư chủ động tưới tiêu, thay giống mới và công nghệ sản xuất, tăng nhanh năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và đặc biệt phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên cơ sở đó, Nhà nước hỗ trợ giúp bà con nông dân làm tốt công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, chủng loại sản phẩm, từng bước thực hiện nguyên tắc sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.