Với quyết tâm lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương, anh Phạm Văn Khoa ở xóm Ngư Phong (xã Phúc Thọ, Nghi Lộc - Nghệ An) đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo gần 2 ha đất hoang hóa bên cầu Hói Trại để nuôi tôm gối vụ, nuôi gà. Từ mô hình này, mang lại tổng doanh thu mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng, Khoa trở thành triệu phú trẻ trên vùng đất cát bạc màu…
Anh Phạm Văn Khoa kiểm tra ao tôm.
15 năm trước khi gia đình Phạm Văn Khoa đến vùng đất Hói Trại thì nơi đây chỉ là bãi hoang hóa, sồi sụt, thường xuyên bị ngập lụt. Cả gia đình đã lao động cật lực để cải tạo thành ao nuôi trồng thủy sản. Học xong THPT, nhận thấy lực học của mình chỉ ở mức trung bình, Phạm Văn Khoa quyết định đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc 5 năm để có vốn làm ăn. Năm 2006, về nước, Khoa tiếp quản vùng đất Hói Trại từ bố mẹ, dốc toàn bộ vốn liếng, công sức đầu tư 2 ao nuôi tôm diện tích 1 ha mặt nước. Trước khi thả nuôi, chàng trai trẻ sinh năm 1985, vốn là Bí thư Chi đoàn xóm Ngư Phong đã âm thầm đi học hỏi kinh nghiệm tại những vùng có truyền thống nuôi tôm như Nghi Thái (Nghi Lộc), Hưng Hòa (TP. Vinh)…
Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, có vụ thắng vụ hòa, đến nay thì Khoa đã thành triệu phú nuôi tôm. Anh tâm sự: Nuôi tôm phải chịu khó vì nó có thể mang lại thu nhập cao nhưng độ rủi ro cũng lớn. Một năm nếu thuận lợi thì thả 3 vụ, mỗi vụ 60 - 80 vạn con tôm giống cho thu hoạch 6-8 tấn cũng đem lại nguồn thu nhập 6 - 7 trăm triệu đồng lãi ròng - một khoản thu nhập trong mơ đối với người dân thuần nông nghiệp ở Phúc Thọ. Tôm giống được đưa về từ Bình Thuận, Ninh Thuận đến mùa thu hoạch thì có xe đông lạnh đến thu mua tại chỗ.
Bên cạnh nuôi tôm, Khoa còn nuôi hàng trăm con gà mái đẻ, gà thịt. Trang trại của anh trông như một khu sinh thái thu nhỏ với hàng trăm cây ăn quả đủ loại na, ổi, mít, dừa… mùa nào cho thức ấy. Các đầm tôm được bao quanh bởi hơn 2.500 cây phi lao và bạch đàn để làm mát và tránh gió bão. Khu vực nuôi gà cũng là một vườn cây ăn quả xanh tốt. Sau khi dẫn chúng tôi thăm các ao tôm, Khoa hái những trái ổi đào thơm phức ra mời khách, rồi tâm sự: “Cây nhà lá vườn, không đâu bằng quê mình anh chị ạ, quan trọng là mình phải biết nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng và có gan làm giàu.”. Hiện tại, Khoa là Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên xã Phúc Thọ. Trang trại của Khoa tạo việc làm cho 5 lao động thời vụ và anh luôn nhiệt tình, sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm cho bạn bè, người dân trong xóm, trong xã muốn đầu tư nuôi tôm. Hiện nay Khoa đang tư vấn kỹ thuật cho gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1 ha. Chàng trai trẻ mong ước được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài để yên tâm đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản và làm kinh tế trang trại.
Nhận xét về triệu phú trẻ, anh Nguyễn Ngọc Cương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thọ cho biết: Phạm Văn Khoa là một thanh niên năng động, dám nghĩ, dám làm nhưng cũng rất khiêm tốn và ham học hỏi, anh là 1 trong 49 điển hình trong phong trào thi sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Phúc Thọ giai đoạn 2012 - 2014.
K.L