00:00 Số lượt truy cập: 2627044

Nghề khai thác thủy sản ở Cuba 

Được đăng : 03/11/2016
Khai thác thủy sản ở Cộng hòa Cuba được thực hiện chủ yếu bởi 15 doanh nghiệp nhà nước (công ty thủy sản) thuộc Tập đoàn Công nghiệp thực phẩm (GEIA), do Bộ Công nghiệp Thực phẩm (MINAL) chỉ đạo.

Sản lượng khiêm tốn


Khai thác thủy sản Cuba gồm hai lĩnh vực chính là hải sản và cá nước ngọt (thủy sản nội đồng). Nhóm khai thác hải sản gồm hai nhóm chính: khai thác tôm hùm; khai thác cá vây và số ít thủy sản khác. Khai thác thủy sản nội đồng chỉ khoảng 200 tấn/năm.


Sản lượng khai thác cá biển đạt 22.000 tấn/năm; trong đó tôm hùm đạt 5.000 tấn, nhưng con số này đang giảm dần do khai thác quá mức; sản lượng trung bình thập kỷ vừa qua chỉ đạt 18.500 tấn/năm. Giai đoạn 2007 - 2011, sản lượng trung bình tôm hùm là 4.860 tấn/năm, tôm biển đạt 450 tấn/năm, cá biển là 13.000 tấn/năm (ngừ vằn 950 tấn). Nhóm cá khai thác chủ yếu thuộc họ cá hồng, song, đối, ngừ vằn và một số họ khác như đuối quạt, nhám...


Tàu đánh bắt hải sản của GEIA gồm 697 chiếc, trung bình mỗi tàu dài 12 - 30m (chủ yếu loại 12 - 18m). Trong đó có 6 chiếc khai thác cá tại vịnh Mexico, trong khuôn khổ hợp tác giữa Cuba và Mexico. Đội tàu Cuba trong vịnh này sử dụng chủ yếu nghề câu vàng, câu tay, mỗi năm khai thác khoảng 300 tấn cá. Nhóm tàu ngư dân (khối tư nhân) có khoảng vài ngàn chiếc, chủ yếu dài 4 - 5m, vỏ gỗ là chính, thường đánh bắt quy mô nhỏ ven bờ. Ngư dân có hợp đồng bán một phần sản lượng cho doanh nghiệp khai thác, chế biến tại địa phương trực thuộc GEIA; cá thu mua từ ngư dân cá thể khoảng 540 tấn/năm.


Đa phần tàu thuyền GEIA có thân vỏ sắt hoặc vỏ nhựa composite


Tàu, thuyền đánh bắt cá nuôi trong hồ chứa (quảng canh mè trắng, mè hoa, trắm cỏ, chép) phần lớn có chiều dài vỏ dưới 10m. Đối với khai thác cá biển, ngư cụ chủ yếu là lưới kéo (khai thác tôm, cá đáy), câu tay (khai thác cá ngừ), lồng bẫy (khai thác tôm hùm), lưới vây bao (khai thác cá hồ chứa). Đa phần tàu thuyền GEIA có thân vỏ sắt hoặc nhựa composite, với tuổi đời khoảng 20 năm sử dụng. Nhìn chung, công nghệ khai thác còn đơn giản, vật tư phục vụ khai thác (lưới, thiết bị, máy tàu...) đang thiếu, do khó khăn tài chính, thiếu vắng thị trường nội địa, chính sách cấm vận của Mỹ.


Đặc thù kinh tế tập trung


Quản lý nghề cá của Cuba mang đặc thù là nền kinh tế tập trung, cường lực khai thác chủ yếu phụ thuộc GEIA. Quản lý khai thác thủy sản Cuba có một số thuận lợi nhờ tập trung đối tượng quản lý, đặc biệt đối với nguồn lợi tôm hùm và hoạt động đánh bắt tôm hùm đang được quản lý tương đối tốt. Hai hình thức quản lý đang áp dụng đối với khai thác thủy sản Cuba là kiểm soát đầu vào (input control) và kiểm soát đầu ra (output control).


- Kiểm soát đầu vào: Lượng tàu tham gia khai thác; kích thước, loại ngư cụ được sử dụng; mùa cấm, khu vực cấm; vùng lãnh thổ.


- Kiểm soát đầu ra: Kích thước cá được khai thác tối thiểu; đối tượng được khai thác; hạn ngạch khai thác (quota).


Theo quy định hiện hành, ngư dân không được khai thác tôm hùm, tôm biển; doanh nghiệp và ngư dân tỉnh nào chỉ được khai thác trong vùng biển tỉnh đó. Cơ quan thanh tra thủy sản quốc gia (ONIP) chịu trách nhiệm giám sát, kiểm soát, xử phạt hoạt động khai thác thủy sản của mọi lực lượng đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ) Cuba. MINAL định hướng không tăng sản lượng khai thác hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế biển những năm tới, vì cho rằng nguồn lợi hải sản đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc khai thác sản lượng cho phép tại Vịnh Mexico vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và năng suất, hiệu quả sản xuất chưa được tính đúng, do cơ chế bao cấp, kế hoạch tập trung đang áp dụng trên cả nước. Thành phần kinh tế tư nhân chưa được khuyến khích và chưa có cơ chế chính sách phù hợp kinh tế thị trường, tác động cả tiêu cực lẫn tích cực đến quản lý nghề cá.


>> Nghề khai thác hải sản có nhiệm vụ cung cấp nguồn đạm động vật cho người dân; đồng thời xuất khẩu nhằm tăng thu ngoại tệ cho chính phủ. Hiện, giá trị xuất khẩu thủy sản Cuba khoảng 70 triệu USD/năm; trong đó tôm hùm chiếm tới 90% (63 triệu USD).