Ngân hàng dè dặt
Mặc dù các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT triển khai Nghị định 41 cho nông dân nhưng ở một số nơi, bà con vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi này.
Anh Trần Văn Soul, Trưởng Phòng Kế hoạch - Kinh doanh, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Cà Mau cho biết: “Đến thời điểm này, ngân hàng đã giải ngân được trên 1.000 tỷ đồng, chủ yếu cho các cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh; chưa giải ngân cho các HTX, tổ hợp tác, trang trại”.
Số liệu là vậy nhưng trên thực tế, theo báo cáo từ các cấp Hội Nông dân, số lượng nông dân được tiếp cận nguồn vốn trên rất hạn chế.
Ông Lê Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cà Mau bức xúc: “Nghị định 41 đã được triển khai nhưng rất ít nông dân tiếp cận được vốn vay. Nguyên nhân là do đa số họ vẫn còn nợ ngân hàng”.
Trần Văn Thời là huyện có nhiều nông dân được vay vốn từ Nghị định 41, với 4.260 hộ được vay, số tiền giải ngân 171 tỷ 350 triệu đồng. Thời gian qua, việc kinh doanh, sản xuất nông nghiệp của nông dân, HTX gặp nhiều rủi ro do dịch bệnh, thiên tai. Khi Nghị định 41 triển khai thì nông dân hoàn toàn có khả năng phục hồi sản xuất, chăn nuôi ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, nếu tiếp cận được nguồn vốn.
Trước đây, ông Bùi Văn Huol ở xã Hòa Thành (TP. Cà Mau) từng vay theo tiêu chuẩn hộ nghèo (5 triệu đồng). Từ đồng vốn ít ỏi đó, ông đã phát triển sản xuất, thoát cảnh nghèo đói và trả xong nợ ngân hàng. Tuy nhiên, năm nay, ông muốn tiếp tục vay mới để đầu tư nuôi tôm quảng canh cải tiến nhưng vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định 41.
Tại huyện Ngọc Hiển, kinh tế trang trại chiếm số lượng lớn nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có trang trại nào tiếp cận được với nguồn vốn này. Các HTX cũng cùng chung cảnh ngộ.
Ông Phạm Thanh Dân, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Đồng Phát Đạt ở ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông bức xúc: “Chúng tôi chỉ được vay theo hộ gia đình chứ không được vay theo HTX. Nguồn vốn vay cũng chẳng thấm vào đâu, trong khi còn phải trả lại nợ cũ thì mới vay được vốn mới. Như vậy, số tiền mang về sau khi trừ nợ cũng chỉ 20-30 triệu đồng, chẳng làm được trò trống gì”.
Đối xử thế nào là công bằng?
Hiện tại, trong nông dân đang có sự ngộ nhận về chính sách vay không bảo đảm bằng tài sản. Họ cho rằng, chỉ cần có hồ sơ xin vay vốn theo quy định, không cần thế chấp tài sản là hộ cá thể có thể vay đến 50 triệu đồng, chủ trang trại vay đến 200 triệu đồng và HTX vay đến 500 triệu đồng. Trong khi đó, Nghị định 41 quy định khá chi tiết về vấn đề này.
Cụ thể, khách hàng vay không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định phải nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) (bản chính), hoặc giấy chứng nhận của UBND xã nếu chưa được cấp giấy CNQSDĐ và đất không có tranh chấp cho ngân hàng. Và chỉ những đối tượng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tại địa bàn nông thôn, có dự án khả thi mới được giải quyết vay vốn.
Anh Suol chia sẻ: “Nghị định 41 quy định người vay nộp Giấy CNQSDĐ vào ngân hàng là cơ sở làm niềm tin. Thử nghĩ, nếu không có những quy định ràng buộc, chỉ là tín chấp của các đoàn thể, liệu ngân hàng có bảo đảm thu hồi vốn?”.
Có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này. Nông dân khẳng định, việc áp dụng cơ chế mới thông qua giữ sổ đỏ để xem xét cho vay chẳng có gì khác với việc thế chấp tài sản khi vay vốn. Thực tế nông dân còn nợ xấu không ít.
Chính vì vậy, nếu không có cơ chế khoanh hoặc giãn nợ thì nông dân Cà Mau sẽ luẩn quẩn trong cái vòng thiếu vốn để tái sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ngọc Hiển cho rằng: “Nghị định 41 đang tồn tại nhiều vấn đề đáng quan tâm như nhiều ngân hàng vẫn còn phân vân thế nào là mô hình TT. Vì thế, cán bộ tín dụng rất khó xác định để cho vay mức 200 triệu đồng cho chủ TT như quy định”.
Ngoài ra, nhu cầu vay của nông dân luôn quá lớn so với nguồn vốn được vay. “Để vay được vốn theo Nghị định 41, chủ trang trại chỉ được vay với một tổ chức tín dụng, chưa vay một dự án nào khác. Đặc biệt, phải chứng minh được khả năng tài chính và khả năng trả nợ, dẫn tới việc tiếp cận vốn là rất khó khăn”, ông Chiến nói.