00:00 Số lượt truy cập: 3084205

Nghịch lý cá tra: Thiếu nguyên liêu, giá vẫn giảm 

Được đăng : 03/11/2016
Trong những ngày đầu tháng 6 này, giá cá tra ở ĐBSCL bỗng đồng loạt giảm mạnh. Ở An Giang, giá cá tra chỉ còn từ 14.000-15.000 đ/kg, giảm từ 1.000-2.000 đ/kg so với hồi tháng 5.

Giá cá tra giảm mạnh trong thời điểm này quả là một nghịch lý. Bởi dù lần đầu tiên mức tăng trưởng âm (kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 táng đầu năm 2009 giảm 4,1% so với cùng kỳ 2008), nhưng hiện tại, cá tra vẫn đang có nhiều thị trường xuất khẩu (107 quốc gia và vùng lãnh thổ đang mua cá tra của Việt Nam). Thị trường Nga mới mở cửa trở lại đã giúp cho 5.000 tấn cá tra Việt Nam được đưa sang Nga trong tháng 5, và 5.000 tấn sẽ tiếp tục được đi Nga trong tháng 6 này. Nhiều thị trường có mức tăng trưởng mạnh về nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay: Mỹ tăng 77,6%, Ai Cập tăng 81,6% …

Trong khi đó, do thua lỗ nặng từ vụ khủng hoảng thừa năm ngoái, năm nay, rất nhiều hộ nuôi cá tra đã bỏ ao, hầm. Ước tính sản lượng cá tra ở ĐBSCL bị giảm tới 30%. Thông thường, khi nguyên liệu bị thiếu hụt, trong khi đầu ra xuất khẩu chưa đến nỗi bế tắc, thì giá cá nguyên liệu, nếu có giảm thì cũng thể giảm mạnh như vậy được.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Uỷ ban cá nước ngọt của VASEP, giá cá giảm mạnh là do các doanh nghiệp đang giảm mạnh nhu cầu mua vào. Năm ngoái, khi xảy ra vụ khủng hoảng thừa cá tra, nhiều doanh nghiệp đã thu mua cá dự trữ với khối lượng lớn. Đến bây giờ, số hàng này vẫn còn tồn trong kho khá nhiều. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang tập trung bán xong hàng tồn kho rồi mới tiến hành thu mua cá mới. Do cá tồn kho phải chịu thêm áp lực giá thành về lãi suất, chi phí lưu kho, nên các doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán ra bằng mọi cách, kể cả việc hạ giá xuất khẩu. Giám đốc một doanh nghiệp chế biến cá tra ở Đồng Tháp tiết lộ: “Giá cá tra xuất khẩu sang EU chỉ còn 2,47 USD/kg. Trong khi trước đó, giá xuất sang khu vực này là trên 3 USD/kg, ngay cả lúc đã xuống giá thì vẫn còn ở mức 2,63 USD/kg”. Và khi đã xuất khẩu với giá chỉ còn xấp xỉ 2,5 USDkg, doanh nghiệp buộc phải giảm giá thu mua cá loại 1 xuống chỉ còn 14.500 đ/kg.

Bên cạnh đó, để chủ động nguồn nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đã và đang tự tổ chức nuôi cá tra trên diện tích lớn. Những đại gia xuất khẩu cá tra như Cty Vĩnh Hoàn đã tự túc được 60-70% nguyên liệu, Cty Agifish tự túc được 30% nguyên liệu. Điều này, cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu mua cá trong dân đang thu hẹp lại. Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP, hiện nay, nguồn cá nguyên liệu từ các hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ còn chiếm khoảng 20%, 80% còn lại do các doanh nghiệp tự cung cấp hoặc từ các trang trại lớn theo quy mô công nghiệp.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng, giá cá tra giảm mạnh chỉ mang tính thời điểm. Đây là lúc nước từ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đang bắt đầu đổ về, do đó, chất lượng cá tra rất không ổn định, vì vậy các doanh nghiệp phải hạ giá thu mua xuống. Còn theo vị TGĐ một Cty chế biến cá tra ở Tiền Giang, giá cá xuống thấp là do đầu ra tiêu thụ chậm, và mức giá thấp này sẽ còn được duy trì trong khoảng thời gian ít nhất là 2 tháng nữa.

Nếu đúng như nhận định của ông TGĐ này, thì người nuôi cá tra ở ĐBSCL lại phải chìm sâu vào thua lỗ nặng nề. Bởi lẽ, trong khi giá cá giảm thì giá thức ăn thuỷ sản lại liên tiếp tăng trong thời gian qua. Ông Ngô Phước Hậu cho biết, vừa rồi, nhiều loại thức ăn cá tra đã tăng giá từ 200-500 đ/kg.

Do thức ăn liên tục tăng cao, giá thành nuôi cá tra đã tăng lên đáng kể. Ông Nguyễn Văn Đức, chủ một trại nuôi cá tra ở Đồng Tháp cho biết, giá thành sản xuất mỗi kg cá tra hiện đã lên tới trên 16.000 đ/kg, trong đó chi phí thức ăn chiếm tới 80%. Như vậy, nếu bán cá loại 1 với giá chỉ 14.500 đ/kg, người nuôi cá tra cầm chắc khoản lỗ gần 2.000 đ/kg. Còn nếu cá chỉ đạt loại 2 (giá xuất ao hiện tại là 13.800 đ/kg), người nuôi cá tra sẽ còn lỗ nặng nề thêm nữa. Và nhiều khả năng, số ao, hầm nuôi cá tra bị bỏ trống sẽ còn tiếp tục tăng thêm nhiều trong thời gian tới.