00:00 Số lượt truy cập: 3041592

Nghịch lý miệt đồng 

Được đăng : 03/11/2016

Miệt đồng thêm nghịch lý khi 1 kg nấm rơm tươi làm từ rơm rạ giá 7.000 đ, bằng 2 kg lúa. Nấm có người mua, còn lúa IR 50404… thương lái ở Long Mỹ, Hậu Giang đề chữ bên hông ghe “50404 xin đừng gọi, cảm ơn”.


* Nguồn lợi què quặt

Nông dân trồng nấm nói, nấm rơm với cây lúa bà con như cơm với cháo. Các vụ lúa trước, nông dân trồng nấm được lợi kép vì ngoài tiền bán lúa họ còn có tiền bán nấm. Hiện thời, nhiều nhà chất lúa từ vụ Đông xuân năm ngoái đến Hè thu và chuẩn bị vụ Đông xuân 2009 mà lúa cũ chưa bán được. Lúa gạo không ai mua, báo động tình trạng... ruộng lúa không được chăm sóc tốt, thậm chí thu hẹp diện tích ở từng vụ, không đủ rơm để chất nấm. Những người trồng nấm ở Tân Hòa, Long Trị I, Long Hưng II (xã Tân Phú, huyện Long Mỹ) cho biết, năm nay giá nấm bán cho nhà máy 7.000 đ/kg, cao hơn các năm trước 1.000-2.000 đ/kg, có lúc giá nấm ngoài chợ lên tới 20.000-25.000 đ/kg. Tháng 7, ăn chay nhiều giá nấm tại Cần Thơ lên 45.000 đ/kg. Anh Phạm Văn Tám, cán bộ khuyến nông xã Tân Phú (Long Mỹ), nói: Hai CLB trồng nấm rơm ngưng hoạt động lúc giá nấm thấp bắt đầu “ngoi” trở lại. Ông Nguyễn Tấn Lực, Giám đốc Công ty Chế biến nông sản Long Mỹ hy vọng bức tranh nấm sẽ sáng lên, nói: Chúng tôi mua nấm muối 18.000 đ/kg, nhưng không có nấm để mua. Hiện thời, có 2 hợp đồng mua hàng của Ý và Nhật, nhưng không dám ký. Mỗi năm, nhà máy đóng hộp xuất khẩu khoảng 40 container nấm rơm, khóm (loại 20 feet) ra nước ngoài, cần ít gì cũng 16 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Con số chưa nhiều lắm, nhưng ít ra cũng mở “con đường máu” cho nông dân Long Mỹ. Tuy nhiên, ông phải nghĩ tới chuyện tổ chức vùng nguyên liệu ở Thốt Nốt (Cần Thơ) hay Đồng Tháp, cách xa cả trăm cây số khi nguồn nấm không còn dồi dào.

* Lui về lối làm ăn tủn mủn

Những năm 90 thế kỷ 20, ông Ngan Muk Keung, nhà đầu tư từ Hồng Công đến Cần Thơ đã đưa dòng nấm từ Đài Loan vào ĐBSCL, năng suất mỗi chai meo 5-6 kg nấm tươi. Nhưng khi các lò làm meo địa phương bung ra cạnh tranh và do cách tái cấu trúc sản phẩm của nhà máy, nên ông Ngan đã thôi sản xuất dòng nấm có nhiều ưu thế này. Trong khi đó, các lò nấm địa phương khi chiếm được 40-50% thị phần thì dòng nấm bị thoái hóa. Mỗi chai meo chỉ có thể thu hoạch từ 1-2 kg/nấm tươi, người trồng phải dùng thuốc kích thích tăng trưởng để đạt năng suất 3 kg/chai meo.

Nấm rơm Long Mỹ (Hậu Giang) bao giờ cũng cao giá hơn nấm rơm ở Đồng Tháp do nấm dai, ngon. Dự án sản xuất nông thủy sản bền vững và năng lượng tái tạo từ lục bình và chất thải nông nghiệp (gọi tắt là Dự án bèo lục bình) do Chính phủ Luxembourg tài trợ, xem đây là thời điểm thích hợp để “cứu nguy” dòng sản phẩm này. Ba CLB trồng nấm đầu tiên ở làng nấm Tân Phú - đại diện 50-60 hộ trồng nấm mừng trong bụng khi tiếp xúc với chuyên gia dự án. Trần Minh Luân ở Long Trị nói, nhiều người không có đất phải mượn gò của chòm xóm để chất nấm. Nhưng thời buổi khó khăn nên họ vừa nuôi heo, nuôi gà, nuôi cá, trồng lúa, chất nấm... mỗi thứ một chút chứ không ai dám làm lớn. Anh Lê Văn Quận ở Tân Hòa thú thiệt, khi chất nấm, người nhiều nhất cũng chỉ 200 công rơm (300 m2), vốn liếng vỏn vẹn 1 triệu đồng. Lâu nay, chúng tôi không thể tiếp xúc với nhà máy mà chỉ bán qua thương lái, nhiều khi phải ứng trước meo của thương lái và chấp nhận giá do họ ấn định. Công việc của dự án là tổ chức lại cộng đồng trồng nấm, tính lại chuỗi giá trị và nối kết với nhà máy với hy vọng nguồn nguyên liệu dồi dào trở lại. Các cuộc tiếp xúc với nhà máy không khó khăn lắm, vì nhà máy nào cũng cần nguyên liệu để duy trì các đơn đặt hàng. Ông Trương Quốc Thống, Phó Chủ tịch huyện Long Mỹ nghe dự án đến tiếp cứu “làng nấm”, mừng lắm, hứa chuyển hoạt động khuyến nông qua tập huấn cho nông dân trồng nấm khớp với tiêu chuẩn của nhà máy.

Tuy nhiên, vấn đề còn lại vẫn nằm ngoài đồng vì nguồn sản phẩm này phụ thuộc vào rơm rạ và nguồn meo đang thoái hóa chưa có cách phục tráng. Ông Lực nói: “Nguồn nấm ít quá nên từ 15 đại lý mua nấm, chúng tôi phải giảm tối đa”. Trong khi đó, để duy trì dòng sản phẩm ở một vùng bình quân đất đai 4.000 m2 đất lúa/hộ, dân trồng nấm phải nối dài cánh tay của mình tới những thương lái mua rơm rạ từ những cánh đồng chưa biết “sự lợi hại” của nấm rơm. Ông Quan Hoàng Tiến, Phó giám đốc phụ trách thu mua của Xí nghiệp Chế biến thực phẩm Meko, TP.Cần Thơ cho biết: Hai tuần trước, có người từ Thới An Đông tới xí nghiệp hỏi mua meo nấm Meko. Nhưng xí nghiệp đã ngưng sản xuất 13 năm nay rồi.