00:00 Số lượt truy cập: 2637587

Nghiên cứu, chế biến thức ăn dinh dưỡng cho thủy sản: Mạnh ai nấy làm 

Được đăng : 03/11/2016

Mỗi năm cả nước chỉ có khoản kinh phí ít ỏi đầu tư cho các nghiên cứu về dinh dưỡng thức ăn thủy sản. Do đó, để có được các công thức chế biến thức ăn cho tôm, cá, doanh nghiệp và người chăn nuôi


Người dân chủ yếu chế biến thức ăn thủy sản theo kinh nghiệm, không theo công thức nào.
Chủ yếu sử dụng thức ăn tự chế

Theo một nghiên cứu về thực trạng sử dụng thức ăn cho cá tra, basa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện thì chủ yếu các hộ nuôi cá sử dụng thức ăn tự chế phối hợp với tỷ lệ nhỏ thức ăn công nghiệp trong tháng đầu (tỷ lệ này ở nhiều địa phương là hơn 80%). Nguyên liệu để chế biến thức ăn cho cá chủ yếu là cám gạo, cá tạp, bột cá, bột đậu nành và các vi lượng bổ sung như vitamin C và enzyme.

TS. Huỳnh Phạm Việt Huy, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, việc sử dụng thức ăn tự chế mặc dù tiện cho hộ nuôi vì có thể tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nhưng lại gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng vì chủ yếu nông dân chế biến theo kinh nghiệm, các nhu cầu cân đối hàm lượng dinh dưỡng theo giai đoạn phát triển của cá chỉ được tính toán ước chừng. Vì sản xuất nhỏ lẻ, ít vốn, bà con có xu hướng tận dụng nguồn cá tạp có sẵn, không theo một tiêu chuẩn nào. Các công thức chế biến cũng chủ yếu là học hỏi lẫn nhau hoặc tự mày mò từ các nguồn sách báo, chứ không được tập huấn chính quy. Trong khi đó, các khảo sát cho thấy, việc dùng thức ăn tự chế làm nguy cơ nhiễm bệnh của cá cao hơn và mức độ ảnh hưởng đến môi trường nước cũng nhiều hơn.

Nhà nước thả lỏng nghiên cứu

Theo GS.TS Lê Thanh Hùng, Khoa Thủy sản, Đại học Nông - Lâm TP.Hồ Chí Minh, bất cập lớn nhất hiện nay là Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến vai trò của việc nghiên cứu dinh dưỡng thức ăn trong chăn nuôi thủy sản.

Hầu hết các công thức dinh dưỡng được doanh nghiệp sản xuất "bê nguyên" của Hoa Kỳ hoặc châu Âu áp dụng đối với loài cá da trơn cận nhiệt đới, trong đó chắc chắn có những thành phần không phù hợp với cá tra, ba sa Việt Nam.

Theo ông Hùng, chính vì nước ta chưa có những nghiên cứu đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cá tra, basa nên việc xây dựng các tiêu chuẩn về chất lượng nhằm giới thiệu và định giá sản phẩm trong thương mại là hết sức khó khăn. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu cá luôn bị rơi vào thế bị động.

Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Trung ương 1 cho biết, hiện nay mỗi năm cả nước chỉ dành khoảng 1 tỷ đồng đầu tư cho việc nghiên cứu về dinh dưỡng thức ăn thủy sản. Với số vốn ít ỏi này, hầu như các viện, trường và trung tâm nghiên cứu không thể làm gì được. Vì thế, trong vòng 10 năm trở lại đây, các công trình nghiên cứu về dinh dưỡng thức ăn thủy sản chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Lựu cho rằng, muốn giải quyết được tình trạng này, Nhà nước cần đầu tư cho các viện, trung tâm nghiên cứu theo một quy trình từ nghiên cứu đến phổ biến kết quả vào thực tế. "Các nước trên thế giới đầu tư rất nhiều cho việc nghiên cứu chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Trong khi đó, mức đầu tư của chúng ta còn thấp. Ví dụ như với cá tra, basa, chúng ta hoàn toàn có thể lập một viện nghiên cứu riêng để phát triển chất lượng tối ưu, nhưng vì thiếu vốn nên nhiều năm nay vẫn không thể làm được", ông Lựu nói.