00:00 Số lượt truy cập: 2669053

Ngô chuyển gen có lợi cho cây trồng lân cận 

Được đăng : 03/11/2016
Trên thế giới đã có 14 triệu nông dân trồng các giống cây công nghệ sinh học- CNSH (còn gọi là cây trồng chuyển gen) tại 25 quốc gia với diện tích 134 triệu hécta với 4 loại cây trồng là đậu tương, bông, ngô và cải dầu. Theo tính toán, cây trồng CNSH sẽ giảm chi phí sản xuất 50% và tăng năng suất thu hoạch 50%.


Các chuyên gia Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa hoàn thành nghiên cứu và phát hiện thấy ngô chuyển gen (GM corn) không chỉ là sản phẩm cho năng suất cao mà còn có lợi cho những cây trồng không chuyển đổi gen khác được canh tác bên cạnh.


Ngô chuyển gen hiện đang được con người canh tác có tên là ngô Bt có thể tự nó tạo ra các protein diệt vi khuẩn có trong đất có tên là Bacillus theringiesis, và triệt tiêu các loại sâu đục bắp.

Khoai tây, đậu xanh và các loại cây trồng khác cũng sẽ được hưởng lợi từ khả năng này nếu được gieo trồng gần những thửa ruộng ngô Bt vì có khả năng kháng lại sâu bệnh. Cũng theo nghiên cứu trên, các loại protein diệt khuẩn, sâu bọ không chỉ giảm nguy cơ tấn công đối với cây trồng mà nó còn giảm lượng sử dụng thuốc trừ sâu, gây hại môi trường và những côn trùng hữu ích khác.

Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đang khảo nghiệm 3 loại cây trồng CNSH là ngô, đậu tương và bông. Kết quả khảo nghiệm ban đầu trên cây ngô cho thấy sâu hại ở mức rất thấp, cây phát triển bình thường, không ảnh hưởng đến hệ sinh vật, sản phẩm không gây hại đến người và động vật trong quá trình sử dụng. Dự kiến, sớm nhất năm 2013, giống ngô CNSH sẽ đưa vào sản xuất đại trà.


TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, bước đầu khảo nghiệm với một số thành công về ngô chuyển gen là tín hiệu đánh dấu bước phát triển mới cho cây ngô, loại cây trồng Việt Nam mỗi năm đang phải nhập khẩu trên dưới 1 triệu tấn ngô thương phẩm. TS Phạm Văn Dư cho biết, Cục Trồng trọt đang hướng phát triển ngô ở ĐBSCL, nhất là đưa vào vụ xuân hè để cắt 1 vụ lúa tránh làm lúa liên tục tạo điều kiện dịch rầy nâu và các loại sâu bệnh bùng phát. Hiện việc đưa ngô vào vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn bởi ngoài tập quán trồng lúa, vấn đề thủy lợi thì còn khó khăn phải đề cập là vấn đề cỏ dại. Giả sử có giống ngô kháng thuốc diệt cỏ, kháng sâu đục thân, đục bắp…, chắc chắn việc đưa cây ngô vào ĐBSCL sẽ dễ dàng hơn nhiều vì xét về hiệu quả kinh tế hiện nay ngô vẫn hơn lúa. Trồng ngô, NS 8-10 tấn/ha đạt dễ dàng, nếu giá bán bằng hoặc cao hơn lúa (hiện giá ngô TB 5.000đ/kg, giá lúa thường chỉ trên 4.000 đ/kg), chắc chắn lợi nhuận cao hơn vì chi phí trồng ngô thấp hơn.

Mặt khác còn hiệu quả về môi trường, như ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, cắt cầu rầy nâu và đặc biệt trồng ngô tiết kiệm nước. Riêng với Đông Nam bộ, vựa ngô lớn của cả nước nhưng ngô đang bị cạnh tranh bởi cây mì (sắn), mía, cao su… Nếu ngô chuyển gen giảm bớt được công làm cỏ, không phải phun thuốc trừ sâu, chắc chắn nông dân lại quay về với nghề trồng ngô truyền thống…