Làm giàu trên quê hương Từ thị trấn La Phù thẳng theo con đường đê uốn lượn dọc sông Đà cuồn cuộn, chúng tôi tìm tới xưởng sản xuất chổi chít của anh Lịch. Đang chỉ đạo anh em xây tường bao cho khu xưởng mới, thấy chúng tôi, anh dừng lại dẫn chúng tôi tham quan xưởng. Sinh năm 1982, sau khi tốt nghiệp THPT, Lịch không chọn con đường đi thi đại học mà bắt tay vào làm... thợ. Nghề làm chổi chít đến với anh cũng thật tình cờ. Vốn ham học hỏi và thích áp dụng những nghề phù hợp vào địa phương, nên khi lên chơi nhà một người bạn ở Hòa Bình, được nghe giới thiệu về nghề làm chổi chít anh đã có ý đưa nghề về quê mình. Rồi anh mở xưởng, thuê 20 lao động, mời giáo viên từ Hoà Bình vê chỉ dẫnỡ. Lô hàng đầu tiên, anh chở 400 cái chổi đi giao, sau khi kiểm đếm, số hàng không đủ tiêu chuẩn phải trả lại hơn một nửa. Thế là, anh mang số hàng bị trả về tháo ra làm lại, cứ thế vừa làm vừa rút kinh nghiệm, qua thời gian, hàng đã đảm bảo chất lượng, được các đối tác đánh giá cao. Đến nay, mỗi tháng anh xuất hơn 20.000 chiếc chổi chít, thu lãi hàng chục triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động. Để chổi chít đi xa hơn Câu chuyện của chúng tôi bị ngưng lại khi tôi đề cập đến vấn đề nguồn nguyên liệu dành cho sản xuất, Lịch trăn trở: “Để có thể phát triển ổn định và lâu dài thì nguyên liệu là yếu tố sống còn, hiện tôi vẫn phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh Sơn La, Hoà Bình nên chi phí vận chuyển cao”. Từ cuối năm 2008, anh đang đầu tư trồng thử nghiệm giống chít lấy bông. Nếu thành công, không chỉ tạo nguồn nguyên liệu cho xưởng sản xuất mà còn giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động. Dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, Đinh Công Lịch đang dần đưa người dân quê mình thoát khỏi đói nghèo. Anh tin nếu trồng chít có hiệu quả thì việc người dân tham gia trồng và làm chổi sẽ ngày một tăng, cuộc sống với người dân ngày càng no ấm. |