Chúng tôi đến thăm anh Tùng khi anh chị đang bận rộn với trại nghiên cứu lợn bản địa ngay trong khuôn viên gia đình. Bên chén trà thơm, chúng tôi được nghe chủ nhà kể câu chuyện vượt khó làm giàu. Năm 1992, được cấp 4.000m2 đất, vợ chồng anh Tùng tích cực sản xuất nhưng vẫn chưa thoát khỏi đói, nghèo. Năm 2000, khi phong trào làm kinh tế trang trại phát triển, vợ chồng anh quyết định thuê 8.000m2 đất gò đồi trồng các loại cây ăn quả như nhãn, ổi, mãng cầu... Đồng thời, anh chị còn đào ao thả cá và xây chuồng nuôi heo, gà; diện tích đất còn lại trồng mía, mì (sắn) và lúa... Năm 2004, vườn cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch, vợ chồng anh thu gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, tiền thu từ đàn heo và gà lên tới 24 triệu đồng. Từ đó tới nay, năm nào anh chị cũng có thu trên 50 triệu đồng. Năm 2008, anh Tùng đầu tư phát triển nuôi heo rừng lai. Hiện đàn heo đã lên tới 23 con, trị giá hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt, gia đình anh là 1 trong 3 hộ được chọn để đầu tư thực hiện đề tài nghiên cứu phát triển các giống lợn bản địa cho hệ thống chăn nuôi trong các trang trại kết hợp ở vùng trung du và đồi núi do Trường Đại học Nông - Lâm Huế phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi thực hiện. Gia đình anh Tùng được hỗ trợ đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô trên 1.000m2, cấp 1 con heo giống đực và 19 heo bản địa (heo cỏ). Chia tay chúng tôi, chị Ba khiêm tốn nói: “Thành tích của gia đình tôi chưa có gì đáng kể, chỉ mới thoát nghèo và lo cho các con ăn học thôi”. Mặc dù vậy, chuyện anh chị biến đất hoang thành vàng cũng rất đáng để chúng ta học tập! |