Người chăn nuôi trong vùng dịch lợn tai xanh ở Đồng Nai mòn mỏi chờ được hỗ trợ để tái đàn
Được đăng : 03/11/2016
Mặc dù ngày 31/8 tỉnh Đồng Nai đã công bố mức hỗ trợ cho người chăn nuôi bị dịch với mức hỗ trợ là 25 ngàn đồng/kg lợn hơi (không phân biệt loại lợn). Định mức hỗ trợ này áp dụng từ ngày 24/7/2010, tức là ngày bắt đầu có dịch tai xanh xuất hiện đầu tiên ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Tuy nhiên đã 20 ngày nay, nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại vẫn chưa biết thông tin nói trên và cũng chưa biết cách nào để được hưởng mức hỗ trợ trên, vì thế nhiều hộ khi có lợn bị bệnh chết vẫn lén lút vứt ra môi trường xung quanh, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa là nguyên nhân phát tán dịch bệnh trên diện rộng.
Được biết, sau gần 2 tháng kể từ ngày bùng phát dịch tai xanh ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, đến nay tỉnh Đồng Nai đã có 15 xã có dịch lợn tai xanh ở tất cả 10 huyện, thị xã.Theo đó, ngành Thú y đã thiêu hủy gần 25 ngàn con lợn mắc bệnh không có khả năng chữa trị với tổng trọng lượng gần 1.000 tấn. Bà Đặng Thị Khúc ở ấp 3, xã Vĩnh Tân, cho biết: Gia đình bà nuôi gần 100 con lợn, gồm cả lợn nái lẫn lợn thịt. Giữa tháng 7/2010, thấy lợn của các hộ trong ấp bị bệnh chết nhiều, gia đình đã bán chạy 30 con lợn thịt chỉ được 15 ngàn đồng/kg, số còn lại để chăm sóc chờ giá tăng sẽ bán, nhưng không may đàn lợn bị bệnh phải tiêu hủy gần hết, khiến gia đình trắng tay. Thời gian qua để có tiền mua cám, đầu tư nâng cấp chuồng trại, gia đình bà phải vay của ngân hàng 100 triệu đồng, nay chỉ mong tỉnh sớm hỗ trợ số lợn bị tiêu hủy để trả bớt nợ ngân hàng, giảm tiền lãi hàng tháng. Tại xã Vĩnh Tân thuộc huyện Vĩnh Cửu đã tiêu hủy hơn 2,1 ngàn con lợn bị mắc bệnh tai xanh với trọng lượng khoảng 60 tấn, nay tình hình dịch bệnh ở đây đã có dấu hiệu thuyên giảm. Ông Lại Việt Phái, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho hay: Xã có khoảng 230 hộ có lợn bệnh phải tiêu hủy, các hộ này đa số phải vay vốn từ ngân hàng để đầu tư cho chăn nuôi nên lợn bị dịch phải tiêu hủy gặp rất nhiều khó khăn. Hiện xã đang đề nghị huyện can thiệp với ngân hàng, cho những hộ có lợn tiêu hủy nhiều được giãn nợ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, người dân rất mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để đầu tư chăn nuôi lại mới có cơ hội thanh toán được mọi nợ nần. Bà Đỗ Thị Ngọc Châu, Phó chủ tịch UBND xã Sông Trầu ở huyện Trảng Bom cho biết: Toàn xã có hơn 2.000 con lợn phải tiêu hủy, phần lớn rơi vào các hộ nuôi nhỏ lẻ điều kiện khó khăn phải vay vốn ngân hàng hoặc bên ngoài để chăn nuôi.
Không chỉ riêng trường hợp 2 xã nói trên, mà hiện toàn tỉnh Đồng Nai có hàng ngàn hộ dân đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất do dịch lợn tai xanh. Do đó, các hộ có lợn bị tiêu hủy đang chờ hỗ trợ của Nhà nước từng ngày để chăn nuôi lại... Song để tiền hỗ trợ sớm đến được với người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy, rất mong các ngành chức năng cần có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm và tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh./.