00:00 Số lượt truy cập: 2986048

Người chế tạo máy phân loại chanh 

Được đăng : 03/11/2016
Nơi anh sống là vùng đất trồng chanh bạt ngàn, có nhiều vựa thu mua, nhưng lại thiếu hụt lao động trong phân loại chanh sau thu hoạch. Trước trăn trở đó, anh Trần Văn Nhung, ngụ ấp 1A, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An quyết tâm sáng chế máy phân loại chanh theo nhiều kích cỡ khác nhau.


Anh Trần Văn Nhung thực hiện các công đoạn để hoàn thành sản phẩm máy lựa chanh

Bạn của nhà nông

Nhà đông anh em, hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Trần Văn Nhung, không có cơ hội theo đuổi con đường học vấn. Học chưa hết lớp 9, anh Nhung nghỉ học, tìm đến các cơ sở cơ khí chuyên ngành hàn tiện trên địa bàn huyện Đức Hòa học thí công đến mấy năm để mong tìm được công việc ổn định.

Khi trở thành một người thợ lành nghề, anh Nhung quyết định mở cơ sở cơ khí nhỏ với tên gọi Sáu Nhung. Cơ sở Sáu Nhung làm rất nhiều việc mà người dân quanh vùng cần, từ nhà tiền chế, nhà lắp ghép, cửa sắt,... đến các vật dụng dùng cho nông nghiệp như sửa chữa máy cày; chế tạo, cải tiến bánh cày nhằm giảm sức lao động cho nông dân.

Bây giờ, ở quanh vùng, khi nhắc đến Sáu Nhung là mọi người nghĩ đến anh thợ cơ khí với đôi tay suốt ngày lấm len bụi sắt, dầu nhớt nhưng trên môi luôn nở nụ cười thân thiện. Bất kỳ khi nào nông dân cần tư vấn về sửa chữa máy móc hay chế tạo thêm một tính năng nào đó để tiện lợi hơn trong quá trình lao động là anh sẵn sàng nghiên cứu rồi tư vấn.

Sáng chế máy phân loại chanh

Thời gian qua, diện tích trồng chanh phát triển nhanh tại các huyện Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa và một số tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bến Tre,... Ngoài nhu cầu lao động cần thiết cho quá trình canh tác và thu hoạch, khâu rửa và phân loại chanh để định giá sản phẩm cần nhiều lao động thủ công.

Tuy nhiên, nguồn lao động ở các vùng nông thôn hiện nay càng lúc càng khan hiếm nên việc huy động lao động cho khâu rửa và phân loại chanh thường gặp nhiều trở ngại. Vào thời điểm thu hoạch tập trung, nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu lao động dẫn đến kéo dài thời gian tồn trữ, làm giảm giá trị sản phẩm.

Anh Nhung chia sẻ, thấy được nhu cầu trên, anh mày mò chế tạo thiết bị rửa và sàng phân loại kích cỡ chanh nhằm góp phần khắc phục một phần trở ngại về nhu cầu lao động trong khâu rửa và phân loại kích cỡ mà trước đây chủ yếu sử dụng nguồn lao động thủ công. Máy rửa và sàng chanh do anh Nhung làm ra khắc phục được nhược điểm của các máy nhập khẩu phân loại kích cỡ chanh có hạt và không hạt của thị trường tiêu thụ chanh ở Việt Nam.

Thiết bị được thiết kế đơn giản, thuận tiện tháo ráp và di chuyển. Hệ thống thiết bị có tổng trọng lượng khoảng 500kg với 3 bộ phận chính gồm: Băng tải chanh đưa vào rửa; rửa chanh và tải chanh sang bộ phận sàng phân loại kích cỡ, sàng phân loại kích cỡ chanh. Tất cả nguyên vật liệu đều dễ tìm từ ống nhựa, sắt do Việt Nam sản xuất nên giá thành thấp hơn so với máy có nguồn gốc từ nước ngoài.

Ghi nhận sự sáng tạo và miệt mài lao động của anh Trần Văn Nhung, UBND tỉnh Long An tặng bằng khen cho anh

Nếu như trước đây, anh Nhung chỉ thiết kế máy rửa và sàng phân loại chanh thì nay, anh tiếp tục nghiên cứu, chế tạo thêm hệ thống rửa, đánh bóng trái, làm khô kết hợp máy phân loại tạo thành hệ thống từ đầu vào đến thành phẩm đóng thùng,... giúp hạn chế lao động thủ công. Đến nay, anh sản xuất và bán được hơn 30 máy cho nông dân trồng chanh, hợp tác xã và thương lái thu mua chanh ở các huyện: Đức Huệ, Bến Lức, Đức Hòa; TP.HCM, Bến Tre, Tây Ninh,...

Anh Nhung cho biết, máy vận hành đơn giản, một đầu cho chanh vào, sau đó máy chuyển qua công đoạn đánh bóng và lau sạch bụi, đất bám quanh trái, những trái có vỏ bị côn trùng đeo bám, vết sẹo nhỏ,... cũng được đánh sạch ở công đoạn này. Sau đó, chuyển qua bộ phận rửa sạch bằng nước rồi đến khâu quạt làm cho khô vỏ trái sau rửa, tiếp theo là đến khâu phân loại. Thiết bị có thể phân loại tới 5 kích cỡ khác nhau, tùy theo yêu cầu khách hàng. Mỗi loại sẽ chuyển ra hộc chứa riêng để xếp vào thùng. Ưu điểm của máy là được sử dụng nguyên liệu trong nước nên có giá thành chỉ bằng 50% máy nhập khẩu.

Ngoài ra, cách thiết kế, vận hành đơn giản nên thời gian sử dụng lâu dài, thuận tiện bảo quản, chi phí bảo trì thấp. Khi dàn máy vận hành, chỉ cần khoảng 6 lao động có cường độ lao động nhẹ với công suất rửa, phân loại, đóng hộp hoàn chỉnh 10 tấn chanh/6 giờ. Trong khi đó, cùng với năng suất nêu trên, nếu sử dụng lao động thủ công thì cần ít nhất 20 lao động.

Ghi nhận sự sáng tạo và miệt mài lao động của anh Trần Văn Nhung, UBND tỉnh Long An tặng bằng khen cho anh và trao giải nhất trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Long An giai đoạn 2014-2015./.

Thanh Tùng