00:00 Số lượt truy cập: 3047597

Người cựu chiến binh 7 năm liền là nông dân sản xuất giỏi 

Được đăng : 03/11/2016
 Đến ấp Phú Hưng, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hỏi thăm ai cũng biết anh Nguyễn Minh Thống (sinh năm 1956) người cựu chiến binh 7 năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh với mô hình "nuôi cá giống sạch".


Tham gia cách mạng năm 1972, làm giao liên xã, chuyển thư từ, tin tức cho các chú trong "cứ", cậu học trò lớp 9 trường Nguyễn Du (Cai Lậy) thường xuyên tham gia những chuyến tải thương, tải đạn. Anh Thống không bao giờ quên những đêm "vượt lộ" hiểm nguy, cái chết và cái sống kề nhau trong gang tấc. Ngày giải phóng, anh đầu quân vào Thành đội thành phố Mỹ Tho. Đến năm 1982 (anh là thiếu úy Đội trưởng đội kiểm soát quân sự tỉnh) do gia đình gặp nhiều khó khăn, anh xin phục viên về quê.

Về địa phương, mặc dù gia đình rất khó khăn, anh vẫn tiếp tục tham gia công tác lần lượt giữ chức vụ Phó công an xã, Trưởng công an xã, Phó Chủ tịch UBND xã. Được kết nạp Đảng năm 1987, hiện nay anh đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở và Chủ tịch Hội Luật gia xã Long Khánh. Anh được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng II và nhiều bằng khen, giấy khen trên các lĩnh vực hoạt động.

Đứng trước cảnh, một vợ hai con sống trong căn chòi nhỏ chỉ đủ kê một cái giường, lòng người lính ngổn ngang trăm mối! Anh nghĩ "Phải làm gì để gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó?". Ban đầu với ba công ruộng hương hỏa, anh lên liếp trồng cà, dưa leo, hành.... Nhờ chăm chỉ nên năm đầu tiên thu hoạch cũng khá. Anh mua liền một bộ cột xi măng, dựng một căn nhà nho nhỏ, nền đất, vách tre, mái lá để cả gia đình tránh mưa, tránh nắng.

Anh nghĩ: trồng hoa màu tuy có thu nhập khá, nhưng muốn có cơ hội làm giàu phải làm một cái gì đó có tính đột phá. Năm 1983, nghề ương cá giống trong huyện Cai Lậy chỉ lẻ tẻ một vài người, nhờ cần mẫn tới lui học hỏi nghề nuôi cá của chú Tám Tiếu ở xã Bình Đức huyện Châu Thành, anh Thống mạnh dạn bắt tay vào ương cá giống (cá tai tượng).

Lúc đầu vốn ít, thiếu kinh nghiệm, diện tích đất hẹp, anh đào một cái ao rộng 100m2 thả 3 vạn cá tai tượng. Anh kể: "Hồi ấy, thức ăn cho cá không có sẵn như bây giờ. Mỗi sáng anh phải thức dậy thật sớm đạp xe ra thị trấn, lang thang đến mấy cái ao vớt trứng nước về cho cá ăn, đến khi cá lớn thì lội xuống dòng kênh đen Ông Hiệu (thị trấn Cai Lậy) bắt trùng chỉ, đạp xe nhanh về nhà cho cá ăn rồi đến Ủy ban xã làm việc. Cá lớn một chút (25 ngày tuổi) thì mua đậu nành, ruốc, bột gạo, chịu khó ở nhà tự xay bằng cối đá trộn chung cho cá ăn.

Luôn đổi mới hình thức chăn nuôi để đón đầu thị trường, công việc làm ăn của anh càng thuận lợi, ba năm sau số cá trong ao từ 3 vạn con lên 10 vạn con, diện tích ao mở rộng từ 100m2 lên 5000m2 nuôi thêm cá trê vàng lai, sau đó đào tiếp 5000m2 nữa thả cá điêu hồng, cá tra. Không chỉ vậy, đầu năm 2007, anh ký hợp đồng với Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản Bến Tre chuyên cung cấp cá giống sạch bệnh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc ký hợp đồng này đã đảm bảo đầu ra cho lượng cá giống xuất ao với số lượng lớn hàng năm tại cơ sở của anh. Chỉ tính riêng trong năm 2007, số cá giống xuất ao đã lên đến 1,2 triệu con. Đây là bước đi táo bạo của một nông dân biết làm ăn kinh tế, bắt kịp với với sự phát triển của cơ chế thị trường. Anh Thống nói: "Quy trình nuôi cá giống sạch bệnh đòi hỏi phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe, chẳng hạn từ việc xử lý đáy ao đánh vôi diệt cá tạp, đảm bảo nguồn nước sạch bơm vô để thả trứng nước, đến khi thả cá xuống phải áp dụng quy trình cho ăn thật chặt chẽ, kết hợp sữa với lòng đỏ hột vịt mỗi ngày phải đúng 5 "cử" và không sử dụng thuốc tràn lan. Có áp dụng đúng kỹ thuật như thế thì lượng cá giống xuất ao mới ít bị hao hụt, đảm bảo chất lượng con giống, giữ uy tín làm ăn lâu dài với các đối tác, qua đó quảng bá thương hiệu cá giống của cơ sở mình".

Ngoài nuôi cá giống sạch, anh Thống còn nuôi một chuồng 7 con dê nái sinh sản, và hiện anh cũng đang gầy giống thêm 6 con bò với ý định thực hiện quy trình khép kín: trồng 4 công cỏ lau cho bò ăn, lấy phân bò nuôi trùn quế, lấy trùn quế nuôi 200 ngàn con cá bống tượng mới thả nuôi được ba tháng tuổi. Anh dự định không chỉ nuôi cá bống thịt, còn nuôi cá bống bố mẹ cho đẻ trứng trong ao thuần dưỡng để bán cá bống con.

Anh còn tìm tòi học cách chiết ghép cây giống. Hiện nay anh đang ương, chiết ghép giống cây mít tứ quý (mít siêu sớm) cung cấp cho thị trường cây giống mới lạ mang lại năng suất chất lượng cao.

Với cung cách làm ăn năng động, luôn tự đổi mới bắt kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, gia đình anh Thống giàu lên trông thấy. Từ ngôi nhà cột xi măng nền đất anh đã xây dựng một ngôi nhà tường khang trang lót gạch bóng láng, mua sắm tiện nghi xe máy, tủ lạnh, ti vi đầy đủ. Thu nhập hàng năm dao động từ vài trăm triệu đồng lên một tỷ!

Anh Thống bày tỏ suy nghĩ của mình: "Thời buổi bây giờ một người tính bằng 20 người làm, không chỉ bỏ sức lao động mà còn phải biết cách nhân sức lao động sao cho đạt hiệu quả".

Hiện nay cơ sở nuôi cá của anh Thống là một trong những cơ sở lớn của huyện, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động nông thôn. Hiện có 5 công nhân thường xuyên túc trực chăm lo việc nuôi cá (trừ những lúc vét ao, kéo cá thì lượng công nhân lến đến vài chục người) với mức lương trung bình 1.500.000đ/tháng. Chiều Long Khánh nắng dịu, gió nhẹ thổi hong khô đáy ao vừa xử lý vôi bột, lay nhẹ làn nước ngọt vàng trong mới bơm vào, nhìn cơ ngơi làm ăn, ai cũng tấm tắc khen người cựu chiến binh Nguyễn Minh Thống biết làm ăn kinh tế trong thời hội nhập.