Trên khắp nẻo đường ở xã Yên Lập, người ta kháo nhau: “Phải làm như nhà ông Thuấn thì mới giàu được”. Lũ trẻ chăn trâu ngô nghê: “Lớn lên sẽ theo học ông Thuấn”. Ông đã trở nên quen thuộc với mọi người như thế. Họ coi ông như biểu tượng của ý chí vươn lên từ đôi bàn tay trắng, làm giàu ngay trên mảnh đất cha ông. ít ai biết rằng, chính ông cũng đã từng ly hương kiếm sống, đã từng nghĩ đến việc bán đất để lo bữa cơm, bữa cháo.
Đất màu vẫn chống cuốc kêu nghèo!
Sinh ra ở vùng quê thuần nông, Thuấn cũng như bao thanh niên khác trong làng, ngày ngày vác cuốc ra đồng, trông vào hai vụ chiêm, mùa. Quanh năm đầu tắt mặt tối mà lúc nào cũng thiếu ăn. Rồi lấy vợ, sinh con, cảnh nhà càng thêm túng quẫn.
Thương vợ thương con, anh nông dân sức dài vai rộng nung nấu ý chí đổi đời. “Lúc đấy tôi ghét mảnh đất này lắm, nhiều lúc cực quá tính bán rồi đưa vợ con đi xây dựng kinh tế mới” - ông nhớ lại.
Nếu không có bố mẹ níu giữ, các con còn nhỏ thì vợ chồng ông Thuấn đã bỏ quê ra đi. Nhiều lúc nằm vắt tay lên trán ông vừa tủi, vừa tức: “Tại sao đất màu mỡ thế mà vẫn nghèo?”.
Những năm 1990, cả xã rộ lên phong trào đi đào đá đỏ trong Thanh Hoá, Nghệ An. Vốn đang túng quẫn, ông cùng 11 người trong thôn kéo nhau đi với hi vọng đổi đời. Gần nửa năm trời quần quật trong rừng sâu núi thẳm, chàng nông dân hiền lành trở nên chai sạn, khắc khổ. “Vừa vật vã với những cơn sốt rét rừng, vừa chống trả trộm cướp khiến con người trở nên tàn ác, lì lợm. Nhiều khi chẳng còn cảm giác sống, chỉ còn ý chí kiếm tiền về cho vợ con” - ông ngậm ngùi. Một góc khu nuôi ngan và gà của gia đình ông Thuấn.
Một lần, nằm co ro trong lán, ông Thuấn nhặt được mảnh báo nhàu nát. Những con chữ về gương nông dân vươn lên từ đất làng đã hút hồn ông. “Sững sờ và đau đáu nhớ vợ con. Tôi chợt nhận ra rằng, mình đã đi sai đường”. Thế là chỉ mấy hôm sau, qua cơn sốt, ông băng rừng về nhà.
“Đào vàng” ở đất nhà mình
Trở về sau chuyến đi đào đá đỏ, ông giấu được một ít đá trong cạp quần. Mừng vì còn sống gặp lại vợ con và có chút vốn liếng, nhưng hơn hết là mừng vì tìm được hướng đi của mình. Bữa ăn tối đầu tiên, cả gia đình đoàn tụ, ông tuyên bố: “Người ta làm được thì mình cũng phải làm được”. Nói vậy nhưng sáng hôm sau vác cuốc ra vườn, ông đứng tần ngần: “Phải bắt đầu từ đâu?”.
Chiều hôm đó, ông lên huyện mua báo về đọc để xem người ta làm thế nào. Những người trong xã, thậm chí cả người thân đều cười anh, “nông dân chân lấm đất đi mua báo về đọc làm gì?”. Nghiền ngẫm đến thuộc làu những bài viết về điển hình nông dân làm VAC trên báo, ông trăn trở cả đêm suy nghĩ cách làm giàu. Dù chỉ mới hiểu lờ mờ VAC là thế nào nhưng ông rất tâm đắc. Sáng hôm sau, ông làm một việc được coi là “bất ngờ và kì lạ” nhất lúc bấy giờ, đó là bán trâu, bán đá đỏ, vay tiền anh em họ hàng mua thêm đất. Đó là năm 1992, ông Thuấn đã mở rộng đất quanh nhà từ hơn 1.000m2 lên hơn 2.200m2. Rồi, vợ chồng con cái dồn sức làm công việc “xưa như trái đất” của nhà nông: trồng cây ăn quả, dựng chuồng nuôi gà, chăn lợn, đào ao thả cá. Chính vợ ông cũng nghi ngờ: “Với chỗ đất cũ đã không sống nổi, ôm thêm đất nữa liệu có kham nổi không?”. Ông an ủi vợ: “Cứ làm đi, đằng nào thì đó cũng là cách duy nhất. Nếu nhà mình cần cù là sống tốt”.
Kiên trì hơn một năm ròng, “cái VAC” học mót từ báo chí bắt đầu cho thu hoạch. Với 900m2 ao, 700m2 rau, cây ăn quả, 200m2 chuồng trại, cả gia đình không phải lo thiếu ăn, thiếu mặc và dần trả hết nợ nần.
“Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”
Bây giờ, đã ở tuổi trung niên nhưng ông Thuấn vẫn chưa nguôi ý chí làm giàu. Mô hình “học mót” trên báo giờ đã lỗi thời, nhiều lúc hạch toán lãi không đáng bao nhiêu. Nhất là lúc bệnh dịch, cả gia đình lo lắng mất ăn mất ngủ. Ông lại bàn với vợ con: “Phải cải tiến thôi, phải đến tận nơi học chứ thế này sẽ càng ngày càng lạc hậu”.
Nói là làm, một lần nữa ông rời quê đi “học làm nhà nông”. Ông lang thang gần khắp các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, khi ở Hải Dương, Hải Phòng, lúc ở Thái Bình, Nam Định. Sau mỗi chuyến đi, ông lại có thêm những bài học quý về chăn nuôi, trồng trọt. Mất thêm 3 năm lặn lội, mô hình VAC của ông trở nên hoàn thiện. Ông cười vui vẻ: “Nó là tổng hoà của các mô hình khắp nơi đấy: tôi học nuôi cá của ông Nguyễn Đức Vụ ở Tứ Kỳ (Hải Dương); học nuôi ngan của ông Đỗ Đức Sang ở Tam Điệp (Ninh Bình); học nuôi ghép ba ba, ếch, cá của anh Vũ Cao Thắng xã bên...
Đi lên từ bàn tay trắng, gia đình ông Thuấn trở thành đầu tàu của phong trào xoá đói giảm nghèo trong xã. Rất nhiều gia đình được ông giúp đỡ xây dựng mô hình VAC nên kinh tế vững vàng hơn hẳn. Nhìn họ hàng, làng xóm giàu lên, ánh mắt ông ánh lên niềm vui: “Tôi chỉ mong ước không còn ai chê đất quê mình nghèo, không còn ai phải ly hương kiếm sống nữa”.
Với diện tích ao 900m2, ông Thuấn kết hợp thả cá, ba ba, ếch để tận dụng các tầng mặt nước. 200m2 chuồng trại, ông đầu tư nuôi ngan (400 con), gà (200 con), kết hợp nuôi cá sấu. 700m2 được quy hoạch trồng cây ăn quả. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi 60 triệu đồng. |