Anh Phùng Tuấn Bằng bên vườn Thanh Long ruột đỏ đang bắt đầu cho thu hoạch
Năm 2010, sau một lần theo dõi chuyên mục “Nông dân làm giàu” trên VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam, anh Bằng đã lặn lội về Hà Tây (cũ) mua 250 cây giống Thanh Long ruột đỏ, với giá (8 nghìn đồng/1 gốc) về trồng tại vườn nhà thay thế cây vải thiều trước đây. Là loại cây thân nước nên rất yếu, anh đổ cột bê tông để làm giá đỡ cho cây Thanh Long. Ngoài những tư vấn của giáo sư Nguyễn Lân Hùng trong chương trình, anh còn tự tìm tòi thêm kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Thanh Long qua sách, báo. Ban đầu, anh cũng rất lo lắng vì rằng đây là giống cây ưa khí hậu nóng khó có thể thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu Lục Ngạn. Tuy nhiên sau hơn một năm trồng thử nghiệm, vườn Thanh Long ruột đỏ đã bắt đầu bói quả. Sản lượng năm đầu tiên đạt khoảng trên 1 tấn, tuy nhiên do trọng lượng quả năm đầu nhỏ anh chỉ bán được gần 20 triệu đồng. Sau vụ đầu tiên, thấy có kết quả, anh mạnh dạn chuyển toàn bộ 1 mẫu vườn trồng Vải nhân giống thêm 150 gốc. Đến thời điểm này, 250 gốc Thanh Long đang bắt đầu ra quả vụ thứ 2, với mật độ ra hoa và đậu quả sai hơn so với dự kiến. Theo anh Bằng thì vụ Thanh Long này sẽ cho sản lượng khoảng 5 tấn quả. Bình quân mỗi gốc đạt khoảng 20kg. Với giá bán buôn từ đầu vụ 30 nghìn đồng/1kg, anh thu về trên 120 triệu đồng.
Anh Phùng Tuấn Bằng cho biết thêm: cây Thanh Long ruột đỏ có ưu điểm ít sâu bệnh và dễ chăm sóc, chủ yếu phòng trừ kiến và ốc sên hại cây non trong thời kỳ mới trồng. Đặc biệt là thời gian thu hoạch kéo dài bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch (theo chu kỳ ra hoa). Không những thế, giống Thanh Long ruột đỏ chất lượng ngon và ngọt hơn so với Thanh Long ruột trắng. Trong 2 năm đầu, bình quân mỗi gốc cho thu khoảng 20kg quả, sang năm thứ 3 trở lên đạt từ 30 đến 40kg. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, sau khi thu hoạch tư thương về tận vườn thu mua theo từng chủng loại quả với giá từ 25 đến 50 nghìn đồng/1kg. Anh Bằng dự định sẽ chuyển đổi hết diện tích vải thiều để trồng thêm 1 nghìn gốc Thanh Long.
Từ hiệu quả mô hình của gia đình anh Bằng, đến nay đã có 4 hộ gia đình ở thôn Lại Tân, xã Tân Lập cũng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng Thanh Long. Đây được xem là hướng đi mới táo bạo của nông dân xã Tân Lập trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, từng bước mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.