00:00 Số lượt truy cập: 3080997

Người đưa lúa lai vào Việt Nam 

Được đăng : 03/11/2016

Ai đưa cây lúa lai vào đồng ruộng Việt Nam? Ngược thời gian, chúng tôi cho rằng - đó là cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn, sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 1997-2002.


Nghỉ hưu đã 7 năm, ở tuổi 76, mái tóc bạc trắng, nhưng ông Nguyễn Công Tạn vẫn phong độ, dáng đi nhanh nhẹn, ánh mắt tinh anh, giọng nói sang sảng.

Ông Nguyễn Công Tạn thăm sản xuất lúa lai ở Nam Định

Sau mươi phút chuyện trò tại sân bay Nội Bài, chuyến máy bay đi Huế cất cánh trước, ông chia tay và mời tôi sau chuyến đi An Giang về, ghé xuống trường Đại học Thành Tây, ông muốn giới thiệu về cây Jatropha và một số mô hình công nghệ cao của trường, nơi ông đang làm chủ tịch HĐQT.

Nhờ cơ duyên ấy, ngày đầu năm 2010, tôi xuống trường ĐH Thành Tây thăm ông. Hoá ra tôi và ông lại là người cùng quê, tôi là con dâu quê lúa Thái Bình, còn ông sinh ra ở ở xã Thái Sơn, huyện Thái Thuỵ, đường về quê ông phải qua Châu Giang huyện Đông Hưng quê tôi.

Trong buổi trò chuyện này, tôi hỏi ông về những năm tháng đầu của thời kỳ đất nước đổi mới, trong đó có ngành nông nghiệp. Những năm tháng ông làm Bộ trưởng từ 1987-1997, một thời kỳ mà hầu như mưa thuận gió hoà, năm nào cũng được mùa, ít khi thất bát, để rồi ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển từ vị thế của nước thiếu đói phải nhận viện trợ nước ngoài, sang tự túc đảm bảo an ninh lương thực, xoá bỏ sổ cung cấp lương thực cho dân, trở thành cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới. Ông Nguyễn Công Tạn nói:

- Khoán 10 chính là động lực thúc đẩy cho ngành sản xuất nông nghiệp của cả nước phát triển. Nhưng trong nông nghiệp sau tiến bộ chuyển vụ lúa xuân thì năng suất lúa Việt Nam vẫn chưa cao, dân vẫn thiếu lương thực, nhất là miền Bắc dân đông ruộng đất ít. Là Bộ trưởng vừa phải lo chỉ đạo sản xuất vừa phải lo điều hành lương thực trong cả nước, tôi nhận thấy giải pháp chuyển gạo từ miền Nam ra miền Bắc, chỉ là tình thế. Hồi đó đường sá giao thông còn khó khăn, chuyển được hạt gạo từ Nam ra, cõng nửa tiền tàu xe. Rồi kèm theo vấn đề an ninh lương thực, sự chênh lệch sản xuất giữa hai miền, làm sao tránh khỏi những kẽ hở trong buôn bán kinh doanh. Cứ nhìn cảnh nhân dân phải xếp hàng đong gạo theo tem phiếu, phải ăn độn ngô khoai, thì làm sao có thể tạo nên công cuộc đổi mới. Muốn đổi mới phải đảm bảo an ninh lương thực cho từng vùng và cả nước. Các cụ xưa có câu “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Vậy là vấn đề lâu dài, có tính chiến lược, miền Bắc phải sản xuất đủ lương thực, vựa lúa miền Nam chỉ dành cho xuất khẩu. Thế nhưng nhìn lại bộ giống trên đồng ruộng nhất là phía Bắc, ngoài lúa xuân NN8, DT10, hầu hết là các giống cũ của địa phương năng suất thấp, chống chịu sâu bệnh, úng hạn kém. Nhìn ra nước bạn Trung Quốc, họ đã tạo nên bước nhảy vọt trong sản xuất nông nghiệp nhờ lúa lai. Tôi từng là lưu học sinh, năm 1958 đã tốt nghiệp đại học tại Học viện Hoa Nam, Trung Quốc, năm 1964 - 1966 lại làm thực tập sinh khoa học ở Hàng Châu, nên tôi hiểu rõ các thành tựu về lúa lai của Trung Quốc và có nhiều bạn bè có thể giúp trong lĩnh vực này.

Lúa lai là một loại cây lương thực chính và cung cấp lương thực cho hơn một nửa dân số thế giới. Người ta ước tính đến năm 2030 sản lượng lúa của thế giới phải tăng thêm 60% so với sản lượng năm 1995. Trung Quốc tập trung phát triển các giống siêu thế hệ thứ hai với mục tiêu đạt năng suất 12 tấn/ha khi đưa vào sản xuất đại trà. Năm 2007 đã phủ diện tích tới 15,8 triệu ha chiếm 53,4% diện tích lúa toàn Trung Quốc, được coi như cuộc cách mạng xanh của thế giới lần thứ hai. Hiện có tới 40 quốc gia trên thế giới sản xuất lúa lai.

Từ câu chuyện lúa lai Trung Quốc nhìn sang Việt Nam, tôi thấy không thể không phát triển sản xuất lúa lai. Ở miền Bắc, đất nông nghiệp không nhiều, nhưng nông dân cần cù lao động và có nhiều kinh nghiệm thâm canh. Hồi chiến tranh đã có tỉnh đạt 5 tấn/ha như Thái Bình, nếu đưa lúa lai vào đồng ruộng có thể tạo nên một bước ngoặt lớn, đẩy nhanh sản lượng lúa của miền Bắc. Thế là chương trình sản xuất thử lúa lai ra đời, rồi sản xuất hạt lai, đào tạo những cán bộ khoa học chuyên sâu về sản xuất lúa lai. Không phải tới năm 1987, tôi làm Bộ trưởng Nông nghiệp, lúa lai mới được đưa vào đồng ruộng Việt Nam, trước đó năm 1985, khi là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, tôi đã mời chuyên gia Trung Quốc ở Viện lúa Viên Long Bình và chuyên gia tỉnh Phúc Kiến, sang hướng dẫn sản xuất lúa lai tại huyện Đan Phượng. Khi cây lúa lai đã bén rễ trên đồng ruộng Việt Nam, tôi tính chuyện bên cạnh nhập giống phải sản xuất hạt lai.

Nhớ lại chuyện sản xuất lúa lai, cũng lắm chuyện buồn vui. Có lần chỉ đạo sản xuất hạt lai tại huyện Ứng Hoà, sản xuất thành công nhưng dân gặt trộm không trả thóc giống, tôi phải bỏ tiền túi để đền cho nông dân 200 triệu và chuyên gia 100 triệu đồng. Khi làm Bộ trưởng tôi đã cử một số cán bộ sang Trung Quốc học làm lúa lai, trong số đó có PGS.TS Nguyễn Thị Trâm là học trò của tôi đã thành công trong việc sản xuất lúa lai tại Việt Nam làm nên kỷ lục bán bản quyền 10 tỷ giống lúa lai TH3-3 và tôi được tác giả giống tặng 10 triệu đồng vì ghi nhớ công ơn của thầy.