00:00 Số lượt truy cập: 2999755

Người đưa thanh long ruột đỏ về đất lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Không chịu chấp nhận cảnh nghèo khó, quanh năm chỉ bám vào cây lúa, Vũ Văn Tuyến ở thôn Ngoại Trang, xã Thống Nhất (Hưng Hà - Thái Bình) đã đi nhiều nơi để tìm hướng đi mới cho quê hương. Cuối cùng, anh cũng gặt hái được thành công trong việc đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng trên đất lúa...

“Bén duyên" với Thanh Long

Sinh năm 1979, trong một gia đình nông dân nghèo có tới 7 anh em ở thôn Ngoại Trang, từ nhỏ cuộc sống của Tuyến đã quen với cây lúa, đồng ruộng và những nhọc nhằn. Học xong THPT, Tuyến rời quê hương đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống, từ chèo đò thuê, mở cửa hàng sửa xe máy, xe đạp cho tới hùn vốn với bạn bè kinh doanh. Khi công việc buôn bán đang xuôi chèo mát mái thì anh bị lừa sạch vốn liếng. Xót xa cho phận nghèo, cuối cùng Tuyến quyết định vào miền Nam để tìm vận may. Sau khi đến Bình Thuận, chứng kiến sức sống mãnh liệt của cây thanh long trên những vùng đất cằn cỗi, anh biết mình bén duyên với loài cây ăn trái này.

Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long ở Bình Thuận, năm 1997, anh đem hơn 10 cành thanh long ruột đỏ đầu tiên về trồng trên đất lúa quê mình. Ngoài giống ruột đỏ, anh còn trồng thử giống thanh long ruột trắng để so sánh. Thật bất ngờ, giống thanh long ruột đỏ mang về từ Bình Thuận đã cho thấy khả năng thích nghi dễ dàng, sức sống mãnh liệt cũng như cho nhiều trái hơn. Nhận thấy trái thanh long rất được ưa chuộng tại địa phương, năm 2007, Tuyến mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng đại trà thanh long ruột đỏ trên những thửa ruộng của mình.

Mô hình mới, hiệu quả cao

Ban đầu, do vốn ít, anh chỉ trồng được hơn 1 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) trước cửa nhà. Dần dần, anh thuê thêm ruộng để mở rộng diện tích thanh long. Hiện anh có 7 sào thanh long đang đến kỳ thu hoạch. Tuyến cho biết: “Thanh long rất dễ trồng và ít bị sâu bệnh. Nếu có quyết tâm thì ai cũng có thể trồng thành công”. Tuyến cũng khẳng định, nếu bà con có nhu cầu tìm hiểu kỹ thuật trồng thanh long, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như cung cấp cây giống.

Được biết, nếu chăm sóc tốt thì mỗi năm, thanh long ruột đỏ cho thu hoạch 6 - 8 vụ, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/sào/năm, ngoài ra còn có thể trồng xen quất, dưa lê, ớt.

Đặc biệt, trái thanh long ruột đỏ nhãn hiệu Hưng Hà - Thái Bình của Tuyến đã được đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi. Do trái có màu đỏ thắm, rất ngọt nên được khách hàng trả giá cao, dao động từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, trừ chi phí, Tuyến thu lãi trên 50 triệu đồng/năm. Tuyến tâm sự: “Mặc dù trồng thanh long không khó, song mô hình này đòi hỏi đầu tư vốn lớn, tốn nhất là phải làm cột bê-tông lõi thép để làm trụ đỡ cho thanh long ra quả. Với 7 sào thanh long, tôi phải đầu tư hơn 100 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với nông dân. Vì thế người trồng thanh long phải có quyết tâm cao, nắm chắc kỹ thuật chăm sóc để đạt năng suất cao nhất thì mới nhanh hòa vốn.

Dù còn nhiều khó khăn, song mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất lúa của Tuyến đã mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều nông dân Thái Bình, hứa hẹn đem lại thu nhập cao cho bà con nên rất cần được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ.