00:00 Số lượt truy cập: 2999160

Người đưa thanh long về đất Bảo Yên 

Được đăng : 03/11/2016
Cách đây 2 năm, do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều vườn cam đang cho thu hoạch ở Bảo Yên (Lào Cai) mắc bệnh và chết dần. Không chịu bó tay như những người khác, ông Nguyễn Đức Tự ở thôn Hòn Nón, xã Việt Tiến mua thanh long về trồng thay thế cam. Ngày ông đưa giống cây mới về Việt Tiến, nhiều người nói, ông “túng quá làm liều”, nhưng nay, trước thành công của ông, nhiều người đã đến học hỏi kinh nghiệm.

Là bộ đội xuất ngũ, ở tuổi 54, ông Tự là người đầu tiên mạnh dạn chặt bỏ hàng trăm gốc cam năng suất thấp chuyển sang trồng thanh long. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Tự kể: “Để có kỹ thuật trồng thanh long, qua báo, đài tôi đã đến gặp một số nông dân ở Uông Bí (Quảng Ninh) học hỏi kinh nghiệm. Nhưng chưa an tâm với những kiến thức học được, lại không muốn thất bại nên tôi mua giống ở dưới xuôi rồi nhờ người lên hướng dẫn kỹ thuật”.

Nhớ lại những ngày đầu khó khăn đưa thanh long lên vùng núi, ông chia sẻ: “Nếu vốn đầu tư trồng cam ban đầu không nhiều thì chi phí trồng thanh long lại khá lớn vì phải mua giống, xây trụ,... Chi phí cho 1ha đã lên đến gần trăm triệu đồng, số vốn không hề nhỏ đối với nông dân, nhưng đã quyết là phải nỗ lực đến cùng”.

Với diện tích gần 1ha, ông Tự đầu tư khoảng 80 triệu đồng trồng gần 300 gốc thanh long. Chỉ sau 3 năm trồng, ông đã thu đủ vốn đầu tư ban đầu; hiện thu nhập bình quân từ gần 1ha thanh long được hơn 60 triệu đồng, giá bán tại vườn dao động từ 14.000-20.000 đồng/kg. Giống thanh long gia đình ông Tự trồng có nhiều ưu điểm như chất lượng trái ổn định, thụ phấn tự nhiên, năng suất cao và ra hoa đúng thời vụ nên cho giá trị kinh tế cao.
Dẫn chúng tôi thăm vườn thanh long, ông giới thiệu: “Loại cây này được trồng phổ biến ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ở miền Bắc cũng có nhiều nơi trồng được, đặc biệt là Quảng Ninh. Giống thanh long này sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có cường độ ánh sáng khá cao, phù hợp với nhiều loại đất như: đất xám bạc màu, đất phù sa; muốn cây cho năng suất cao, đất phải có tầng canh tác tối thiểu từ 30-50 cm. Thanh long cần bám vào trụ, do đó phải chuẩn bị trụ trước khi đặt giống. Có thể dùng trụ bằng gỗ hay xi măng cốt thép. Cột bằng bê-tông dễ hấp thụ nhiệt, có thể làm đứt các rễ khí sinh của cây, nên phải dùng lá chuối bao xung quanh trụ để giảm bớt hấp thụ nhiệt và tưới lên trụ vào sáng sớm hay chiều tối. Trồng trụ trước khi đặt hom 1 tháng, chiều cao trụ khoảng 2m, phần chôn sâu 0,5-0,7m, (trụ xi măng mỗi cạnh khoảng 12-15cm). Trồng trụ thẳng, trên đầu trụ đóng thêm giá đỡ hình dấu cộng, hay để một cái lốp xe hỏng lên cành để thanh long rủ xuống. Thanh long là cây chịu hạn nhưng nếu thiếu nước cây sẽ tăng trưởng chậm, khả năng ra hoa, đậu quả kém, năng suất thấp. Do đó phải đảm bảo tưới nước đầy đủ và ủ gốc vào mùa nắng.

Nhờ mạnh dạn đầu tư, đưa giống cây mới về trồng, gia đình ông Tự đã trở thành hộ đầu tiên trên đất Bảo Yên trồng thành công thanh long và cho thu nhập cao. Sự kiên trì, dám nghĩ, dám làm của ông Tự xứng đáng để bạn bè và đồng đội noi theo. Điều đặc biệt là hiện nhiều nông dân trong vùng đã tìm đến nhà ông, học tập kinh nghiệm và mua giống thanh long. Ông Tự tận tình hướng dẫn với hy vọng sẽ có thêm nhiều người thoát nghèo nhờ cây trồng này.