Người gây dựng phong trào trồng quế ở Đại Sơn
Được đăng : 03/11/2016
Để có vùng quế Đại Sơn rộng hàng nghìn héc - ta như bây giờ, ít ai biết rằng, từ hai đồi quế do ông Hoàng Văn An - nguyên bí thư Đảng bộ xã phát động trồng năm 1969 để tưởng nhớ Bác Hồ thì một trong những người góp phần phát triển cây quế thành vùng tập trung rộng lớn lại là một người lính. Ông là Lý Kim Thanh - nguyên Phó chủ nhiệm Hợp tác xã - Bí thư đảng ủy xã Đại Sơn (Văn Yên).
Phục viên trở về địa phương năm 1973, khi đó, ông Lý Kim Thanh ở thôn 2, xã Đại Sơn mới 30 tuổi. Trở về với chiếc ba lô bên trong là vài bộ quần áo, đứng trên vùng đất quê hương, đồi núi trập trùng và nghèo đói lúc bấy giờ, ông đặt mục tiêu cho cuộc đời mình là 55 tuổi có nhà xây cùng nhiều mục tiêu khác phải đạt được.
Những mục tiêu của ông đã phần nào nói lên tính cách mạnh mẽ, táo bạo, thể hiện một người có tầm nhìn xa, biết lo cho tương lai mà ít người thời bấy giờ có được. Xin vào làm xã viên của Hợp tác xã Đại Sơn, chỉ một năm sau, ông được đề bạt làm Phó chủ nhiệm. Khi đó, cán bộ hợp tác xã, lãnh đạo xã hầu hết chưa học hết lớp một, ông là người duy nhất đã học xong lớp 7. Vì vậy, toàn bộ kế hoạch, định hướng phát triển của Hợp tác xã đều do ông đảm nhiệm.
Lúc đó, ngoài hai đồi quế trồng năm 1969 thì cây quế chỉ mọc phân tán, tự nhiên trong rừng và hồi nhỏ, ông vẫn thấy người lớn bóc vỏ đem xuống Ga Hóp, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) bán sang Trung Quốc. Bởi vậy, ông nghĩ, cây quế vẫn có người mua, thậm chí trở thành một loại hàng hóa nếu có thể trồng nhiều. Ông đề xuất với Hợp tác xã gieo hạt quế giống để trồng tập trung thành rừng hoặc bán giống cũng cho lợi nhuận cao. Nhiều người lo lắng, nghi ngại cho ý định của ông. Nhưng ông cho rằng, nếu như sau này, cây quế không có người mua thì cũng vẫn có tác dụng như rừng phòng hộ, bảo vệ đất.
Kết quả thật bất ngờ, đó là năm 1977, bằng cách tăng công điểm, ông đã khuyến khích xã viên nhặt gom gieo được 1,3 tấn hạt và chỉ một năm sau đó, người từ khắp nơi đổ về Đại Sơn để mua quế giống.
Thế nhưng, cây quế chỉ thực sự phát triển mạnh vào những năm 1990. Thời điểm ấy, nhiều hộ trồng quế bị mất trộm cây con, ông cũng bị nhổ mất hơn 1 héc - ta mới trồng. Nhằm chấm dứt tình trạng này, ông tham mưu cho lãnh đạo xã ra một nghị quyết về trồng quế, phát động thành phong trào nhà nhà trồng quế. Để không còn tình trạng trộm cây con, xã phát động trong toàn xã, nhà nào cũng phải gieo 2 kg hạt giống, sau đó lên danh sách những hộ không gieo phải ký tên và bằng cách này, có thể loại trừ những đối tượng có ý định trộm cây con.
Cũng từ phong trào này mà năm 1993, trong khi nhiều địa phương không muốn nhận đất trồng rừng thì ở Đại Sơn, người dân đua nhau đăng ký nhận đất trồng quế. Bản thân ông đã thực hiện được mục tiêu của mình, với 10 ha quế, ông là người đầu tiên xây được nhà, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt, nuôi dạy các con học hành đến nơi đến chốn đúng như mục tiêu đã đặt ra. Những ngày tháng Năm này, ông đang khai thác đồi quế trên 10 năm tuổi, chỉ một quả đồi nhỏ là ông đã có 65 triệu đồng. Hiện nay, ông vẫn còn 6 ha quế đang đến kỳ khai thác, trị giá trên 600 triệu đồng.
Đến Đại Sơn vào những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh tấp nập thu quế. Quế được bóc, cạo trải dài từ trong nhà ra ngoài ngõ, quế phơi đầy đường tỏa hương. Đảng bộ xã Đại Sơn xác định, trong nhiệm kỳ tới, cây quế vẫn là một loại cây chủ lực để phát triển kinh tế bền vững, tiến tới xây dựng quế Đại Sơn thành một thương hiệu nổi tiếng trong cả nước.