Vén bức màn bí ẩn
Con đường từ Quốc lộ 18 vào Lựng Xanh chưa đầy 3km nhưng khiến ai vào đây cũng có cảm giác như trượt dần xuống một thung lũng sâu hun hút. Con đường vòng vèo, quanh co bám chặt lấy sườn đồi bên hàng phi lao gió đưa xào xạc. Chúng tôi dừng chân ở quán nước của gia đình ông Ngữ bên hồ nước.
Như mọi ngày, ông Ngữ đi rừng. Chúng tôi phải chờ đến quá trưa, ông mới trở về với con dao rựa sáng loáng. Dáng người nhỏ nhắn, nước da đen sạm, cũng đủ cho thấy ông phải vắt kiệt sức để chiến đấu với khu rừng hoang này.
Từng là một bác sĩ quân y, cá tính phiêu lưu, mạo hiểm từ những năm còn trong quân ngũ đã thôi thúc ông phải khai phá vùng đất này. Năm 1995, ông quyết định vạch rừng vào đây. Mảnh đất ấy quyến rũ ông ngay từ lúc đầu: Một vùng cỏ cây xanh mướt, suối nước chảy trong vắt, khu đầm lầy mênh mông... Ông nghĩ nơi đây rất thích hợp để tạo lập vườn cây, ao cá, quy hoạch thành nơi nghỉ dưỡng để mọi người đến thư giãn sau thời gian làm việc mệt mỏi. ông lập ra một kế hoạch chinh phục vùng đất này như mở đường vào, đắp đập, đào ao, trồng cây, làm nhà... với mong muốn mang lại sức sống mới cho nơi đây.
Ngày đầu, vợ con ông vào thị sát, khu Lựng Xanh là vùng đầm lầy rộng lớn nhưng lại không đường, không điện khiến ai cũng nản chí. Nhưng rồi, bằng sự động viên, khích lệ, vợ con ông cũng theo vào hỗ trợ cho ý tưởng táo bạo của ông.
Suốt thời gian dài, vợ chồng ông hì hục phát cây, dọn đá mở đường. Mất gần 2 năm trời, con đường dài 3km mới hình thành.
Mở được con đường, ông dựng tạm căn lều bên sườn đồi. Thế nhưng, trong một buổi đi rừng, gia đình ông phải tránh mưa trong hang đá, trở về, căn lều biến mất. Dòng nước khủng khiếp cuốn phăng tất cả sau một cơn mưa. Đứng trên ngọn núi cao, khung cảnh làm ông kinh ngạc. Ba quả núi chụm lại tạo thành cái phễu khổng lồ. Tất cả các sinh vật trong cái phễu ấy khó lòng giữ được sinh mạng trước cơn nổi giận của thuỷ thần. ông nghĩ, có lẽ vì vậy mà bao năm qua không ai dám bén mảng tới đây. Nhưng rồi, cứ nghĩ đến vườn cây bạt ngàn màu xanh cùng căn nhà bên dòng suối trong xanh, nước chảy rì rào, ông lại quyết tâm bám trụ.
Rừng thiêng "nhả vàng"
Từ ngày ấy, gia đình ông cùng bắt tay vào làm, trời nắng, nước cạn ông bà lại xuống đầm lầy chặt mây, nhặt đá để ngăn dòng chảy. Trời mưa thì đi kiếm măng mang ra ngoài bán. Lại mất 2 năm nữa, hai con đập nắn dòng mới kịp hoàn thành. Bằng sự kiên trì phi thường của ông Ngữ cùng vợ con, đầm lầy với bao chuyện hoang đường, bí ẩn dần được thay máu. Ông tận dụng những khối đá lớn, nhỏ để kè thành ao, thành rãnh nuôi cá. Vì là rốn nước, nhiều màu nên cá lớn nhanh như thổi. Cùng với đó, ông nuôi lợn, gà để tăng gia sản xuất. Vùng đồi bạt ngàn rộng 15ha được ông phân thành 2 khu, khu đồi cao ông trồng các cây lấy gỗ như bạch đàn, keo, còn vườn nhà ông trồng các loại cây ăn trái với hơn 500 gốc vải, nhãn, gần 100 khóm tre Bát độ, rất nhiều hương bài, dứa, chuối. Nhờ vậy, không lâu sau ông đã kiếm lời từ cách làm hợp lý này.
Trên mặt ao, dưới gốc cây, ông làm những lều cỏ phục vụ khách tới tham quan lựng, nghỉ ngơi, câu cá. Số tiền thu được ông tiếp tục đầu tư, tu bổ cho khu vườn của gia đình ngày một khang trang, sạch đẹp.
Từ ngày thấy gia đình ông Ngữ khởi nghiệp trong khu rừng này, nhiều người cũng theo đó vào làm ăn, sinh sống. Cũng từ khi có đường, Lựng Xanh bỗng có nhiều người qua lại. Từ một vùng hoang vu, khu này dần được người dân khai phá, mở rộng lên đến 30ha.
Vừa qua, khu Lựng Xanh đã được chính quyền lấy làm điểm du lịch, thu hút hàng trăm du khách mỗi ngày, nhất là vào mùa hè.
Đã 14 năm gắn bó với Lựng Xanh, điều ông Ngữ mong muốn nhất là ngành du lịch sớm đầu tư, khai thác tốt vùng đất tiềm năng này. Ông Ngữ tâm sự: “Giá như Lựng Xanh có điện và có con đường to hơn, chắc chắn không lâu sau sẽ phát triển thành điểm du lịch đẹp và hiện đại”.