00:00 Số lượt truy cập: 2999267

Người làm giàu từ chuối, dứa 

Được đăng : 03/11/2016
Mặc dù đã có cuộc hẹn từ tối hôm trước, nhưng khi xe chúng tôi lên được đến Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) thì ông Thào Diu đã lên rẫy được cả tiếng đồng hồ.

Trong lúc đợi “ông chủ” của những nương chuối, rẫy dứa bạt ngàn, tôi có dịp thả tầm mắt xung quanh. Bạt ngàn chuối và dứa, cả một vùng rộng lớn của xã Bản Lầu đang trở thành vương quốc của hai loại cây này.

Không giống các “đại gia” dưới phố, xuất hiện trước mặt chúng tôi là một người đàn ông nhỏ bé, nhanh nhẹn trong bộ quần áo chàm đã bạc phếch. Đưa tay áo quệt mồ hôi trên mặt, ông dẫn chúng tôi lên rẫy gần nhất và trò chuyện về “phương sách” làm giàu.

Ông kể: Trước đây, nhà tôi và dân bản nghèo lắm, toàn đi làm thuê cho người Lống Pâu (xã Lống Pâu - huyện Hà Khẩu - Vân Nam - Trung Quốc). Bên đó, người ta trồng nhiều chuối và dứa lắm, bà con bên mình đến mùa dứa chín lại sang đó bẻ và gùi dứa thuê. Nhiều đêm nằm nghĩ, ông tự hỏi: “Lống Pâu cách mình có một con suối nhỏ mà sao người ta làm ăn giỏi thế, giàu thế. Mình cũng có đất đấy, rừng đấy mà nghèo mãi không thôi?”.

Trăn trở nhiều đêm, ông nảy ra ý học lỏm cách làm ăn của người Lống Pâu. Hằng ngày đi làm thuê cho ông chủ bên Lống Pâu, ông vừa làm vừa quan sát, học tập kỹ thuật trồng dứa, nhất là cách pha chế thuốc sinh học để kích thích cây dứa ra quả; cách tiếp thị khách mua dứa từ dưới xuôi. Khi đã nắm được căn bản kỹ thuật trồng trọt và cách thức làm ăn, năm 1996, ông bắt đầu làm vụ dứa đầu tiên. Tiền tích cóp và vay mượn được đổ vào 2 vạn gốc dứa. Cả nhà cùng lên nương, ông còn phải thuê thêm bà con trong bản đi làm cỏ, bón phân. Vụ đầu, nhờ làm đúng kỹ thuật nên 2 vạn cây dứa cho sản lượng 8 tấn quả. Nhưng do đường sá từ Bản Lầu lên huyện lúc đó còn khó khăn, chỉ có một con đường nhỏ, xe tải không vào được nên ông phải thuê người gùi từng gùi dứa đi bán. Cuối cùng, được mùa nhưng chi phí thuê mướn nhiều nên lãi còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng ông vẫn quyết tâm đầu tư làm tiếp.

Thành công với dứa, ông đầu tư tiếp vào trồng chuối. Ban đầu vốn đầu tư cho cây giống khá lớn nên ông lại phải vay mượn, dốc hết tiền vào nương rẫy. Một năm, rồi 5 năm, những nương dứa, rẫy chuối đã không phụ công người. Làm ăn khấm khá, ông giúp đỡ bà con trong bản cùng làm. Đến nay, người dân Bản Lầu không còn phải sang Lống Pâu làm thuê nữa, mà ngược lại một số người dân Lống Pâu đã sang làm thuê cho ông cũng như một số hộ bên Bản Lầu. Thu nhập của gia đình ông hiện cũng được 2-3 trăm triệu đồng/ năm.

Mời chúng tôi vào nhà, ông vừa rót nước vừa chỉ tay lên những tấm bằng khen, giấy khen, những bài báo dán trên tường. Khi được hỏi về thành tích, ông chỉ cười: Không nhớ đâu, đi nhiều lần lắm, ở tỉnh, ở Hà Nội, mấy lần rồi. Rồi ông xòe mấy tấm ảnh ra khoe: Chủ tịch nước đến thăm đấy, khen làm ăn giỏi và bảo cố gắng làm giàu hơn nữa!

Nhà ông hiện không chỉ có ti vi, tủ lạnh, xe máy, ô tô chở hàng mà điều khiến ông rất vui, đó là mấy đứa con đã trưởng thành. ÔNG hồ hởi: Giờ mình không chỉ trồng cây đâu, mà còn nghe Bác Hồ “trồng người” nữa đấy. Mình có 5 đứa con, 1 đứa đã là thầy giáo rồi, còn 2 đứa đang đi học dưới thành phố, 1 đứa nữa chuẩn bị đi học dưới đó, chỉ có 1 đứa ở nhà làm nương thôi. Trước mình không có tiền nên không có chữ, giờ phải cho con đi học, có chữ sẽ làm ăn giỏi hơn.


Phó chủ tịch UBND xã Bản Lầu Hoàng Mạnh Cường cho biết: Gia đình ông Thào Diu là một hộ làm kinh tế giỏi của xã. Không chỉ làm giàu cho gia đình mà ông còn hướng dẫn và giúp đỡ nhiều bà con dân bản làm ăn. Đến nay đời sống người dân Bản Lầu đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Kinh tế ổn định, các hộ gia đình cũng có điều kiện chăm sóc con cái, các cháu trong độ tuổi ra lớp đều được đến trường, tình trạng người nghiện ma tuý, buôn bán phụ nữ, trẻ em, di cư tự do không xảy ra trên địa bàn.