00:00 Số lượt truy cập: 3193339

Người nhân giống cây thanh long ở Ba Chẽ (Quảng Ninh) 

Được đăng : 03/11/2016

Từ trước đến nay khi nói đến loại quả thanh long, mọi người đều nghĩ ngay đến một loại cây chỉ được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam. Bởi lẽ, hầu hết các loại quả thanh long được bày bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh đều được nhập từ các tỉnh phía Nam.


Nhưng mấy năm gần đây, người dân trong huyện Ba Chẽ đã biết đến một loại quả thanh long được trồng ngay trên quê hương họ.

Loại thanh long này tuy quả nhỏ hơn thanh long ở tỉnh ngoài nhưng về chất lượng, độ ngọt đậm thì hơn hẳn thanh long ở các nơi khác đưa về. Hiện thanh long Ba Chẽ đang dần có thương hiệu riêng và được nhiều gia đình nông dân trên địa bàn huyện chọn làm cây xoá đói giảm nghèo...


Để tìm hiểu nguồn gốc của giống thanh long trồng ở Ba Chẽ, chúng tôi đến gia đình chị Đào Thị Thuận, thôn Nam Hả Ngoài, xã Nam Sơn. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến nhà chị đó là một ngôi nhà khá to, mới xây, phía trước nhà có một giàn thanh long lắc lư quả màu hồng thẫm, trông rất đẹp mắt. Chỉ tay vào giàn thanh long, chị Thuận cười nói: “Giàn thanh long này gia đình chị chỉ trồng làm cảnh thôi, chứ trồng giàn hiệu quả không cao đâu”. Nói xong chị dẫn tôi đi xem khu vườn trồng thanh long ngay phía sau nhà. Khu vườn không rộng, với những vạt đất sát đồi tạo thành những chỗ trũng có khoảng trên một trăm gốc thanh long đã cho thu hoạch.

Tuy thời điểm này vừa thu hoạch xong nhưng các cây thanh long vẫn còn nhiều quả đang chín đỏ. Chỉ với mảnh vườn nhỏ này, mỗi năm cũng cho gia đình chị thu hoạch trên 10 triệu đồng tiền quả.

Được biết, gia đình chị Thuận là gia đình đầu tiên trong huyện làm kinh tế bằng việc trồng thanh long. Tuy nhiên, lúc đầu chị Thuận cũng không nghĩ rằng cây thanh long có thể phát triển được ở vùng đất này. Chị kể lại, việc trồng cây thanh long đến với chị như một sự tình cờ. Năm 1989, khi bố chồng chị đi làm kinh tế ở Đồng Nai về thăm con, mang theo vài cành thanh long và 2 gốc chôm chôm về cho vợ chồng con trai trồng thử. Cây chôm chôm vì không chịu được giá rét ở vùng cao nên chỉ trồng được một thời gian rồi chết, trái lại cây thanh long lại phát triển được, nhưng chị cũng chỉ trồng để làm cảnh thôi. Đến thời điểm những năm 1992-1993, chị thấy cây thanh long có thể thích nghi với vùng đất Ba Chẽ nên đã nhân giống và phát triển thành vườn với trên 15 gốc. Thời kỳ đầu, do không có kinh nghiệm nên gia đình chị làm giàn cho thanh long leo, cây cho rất ít quả, thu hoạch chỉ đủ cho gia đình ăn. Mãi một thời gian sau, khi xem trên truyền hình chị thấy cây thanh long ở miền Nam trồng dựa vào cột và họ nói rằng, trồng bằng cột thì thanh long mới cho nhiều quả. Thế là anh chị không trồng bằng giàn nữa mà chuyển sang cột. Quả nhiên, vụ sau thanh long cho thu hoạch rất nhiều quả. Khi cây ra trái nhiều, ăn không hết, chị mới tính đem ra chợ trung tâm Ba Chẽ bán. Nhưng thật buồn, cách đây khoảng 6, 7 năm người dân Ba Chẽ phần nhiều chưa biết ăn loại quả này. Lần đầu tiên mang rổ thanh long ra chợ bán, chẳng có ai mua,chịđành mang về phân phát cho hàng xóm ăn hộ. Nhưng rồi qua thời gian, người dân địa phương cũng quen dần với sự có mặt của quả thanh long, họ đã mua về ăn. Nhiều người dân cho biết, thanh long trồng ở đây tươi ngon, hơn nữa vỏ lại mỏng có vị ngọt đậm, hơn hẳn thanh long vẫn có bán trên thị trường. Vì thế, thanh long của gia đình chị dần dần đã tiêu thụ được ngay tại địa phương và dân nơi khác cũng tìm đến mua. Lúc này, cung không đủ cầu, chị mới tính đến việc mở rộng diện tích trồng cây thanh long. Một vài người dân trong xã thấy việc trồng thanh long đem lại hiệu quả kinh tế, họ bắt đầu tìm đến nhà chị xin giống để trồng. Đối với những hộ dân thôn Nam Hả Ngoài, với đặc thù chủ yếu nằm sát trên trục đường quốc lộ, ruộng đất không có, việc giao đất giao rừng chậm, hộ nào nhiều mới có khoảng 2 ha đất rừng nên bà con chủ yếu làm dịch vụ nhỏ, chăn nuôi, làm thuê. Chính vì vậy, việc trồng cây thanh long có ý nghĩa rất lớn, bà con nông dân có thể tận dụng những vạt đất đồi xung quanh nhà để trồng. Chị Thuận cho biết, cây thanh long rất dễ trồng và chăm sóc đơn giản, chỉ trồng sau một năm là cho thu hoạch. Thêm nữa, không như các loại trái cây khác chỉ chín rộ trong một thời điểm, rất khó trong việc tiêu thụ. Đối với cây thanh long việc thu hoạch quả diễn ra trong một thời gian khá dài từ tháng 5 đến tháng 10, đợt hoa này nối tiếp đợt hoa khác nên không sợ quả chín rộ cùng một lúc, bà con có thể thu hoạch dần. Chính vì vậy, nếu trồng nhiều khi đến vụ thu hoạch cũng hạn chế được việc tư thương ép giá. Đến thời điểm hiện nay, mô hình trồng cây thanh long của gia đình chị Thuận đã được nhiều người dân trong xã và các nơi khác tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Và với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị Thuận mong muốn được triển khai mô hình trồng thanh long đến các hội viên. Hiện nay, đã có khoảng 10 chị em phụ nữ tham gia mô hình trồng thanh long, cả xã đã trồng được khoảng 400 gốc và 200 gốc đã cho thu hoạch.


Để mở rộng diện tích trồng cây thanh long tại địa phương, tháng 7 vừa qua, Phòng Kinh tế huyện Ba Chẽ đã ký hợp đồng với gia đình chị Thuận cung cấp 2.700 gốc thanh long để đầu tư giống cho bà con địa phương phát triển loại cây này. Hiện gia đình chị Thuận đã cho ươm 5.000 cành, đến khoảng cuối tháng 10 sẽ tiến hành bàn giao giống. Được biết, với giá 8.000 đồng/cành, vườn ươm cây thanh long cũng mang lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình chị.