00:00 Số lượt truy cập: 2996632

Người nông dân đa tài 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn vật nuôi thì việc vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh càng được các hộ chăn nuôi quan tâm đặc biệt. Trong đó việc chăn nuôi với quy mô lớn theo mô hình khép kín đã được nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Lương Sơn lựa chọn, vừa mang lại thu nhập ổn định lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như giảm khả năng mắc bệnh và lây truyền bệnh cho vật nuôi. Mô hình nuôi lợn khép kín của gia đình anh Nguyễn Đức Toàn tại thôn 3/2B - xã Thành Lập - huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là một ví dụ điển hình.


Trước đây, cũng giống như bao hộ gia đình khác, gia đình anh Toàn nuôi lợn theo qui mô nhỏ lẻ, manh mún. Song nhận thấy hiệu quả sản xuất chưa cao và việc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường rất lớn, hơn nữa khả năng mắc dịch bệnh của lợn tương đối cao, đầu năm 2007, gia đình anh đã vay vốn, mạnh dạn đầu tư xây dựng khu chăn nuôi khép kín. Khu chuồng trại của gia đình anh có diện tích khoảng 600 m2, chia làm 2 khu, được bố trí một cách khoa học, phù hợp với lứa tuổi của đàn lợn, bao gồm khu chăn nuôi lợn nái sinh sản, khu lợn con và sau cùng là khu nuôi lợn thịt. Khu chuồng trại được che kín xung quanh bằng tường xi măng và các tấm nilon có thể cuốn lên hay hạ xuống đảm bảo độ sáng cần thiết cho lợn. Chuồng trại xây dựng mát mẻ, thông thoáng và thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, phun hoá chất khử trùng tiêu độc, cách li với môi trường xung quanh. Đặc biệt không có mùi hôi đặc trưng của một trại lợn, cũng không có ruồi nhặng và côn trùng gây hại. Anh Toàn cho biết: Chăn nuôi quan trọng nhất là phải tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y và giữ cho nhiệt độ của chuồng lợn hợp lý. Chính vì vậy gia đình anh đã chủ động tìm hiểu qua sách báo và sự hướng dẫn của nhân viên thú y để đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, tiêm ngừa dịch bệnh cho lợn đúng thời điểm và liều lượng.

Kể từ năm 2007 đến nay, gia đình anh Toàn thường xuyên duy trì 10 con lợn nái sinh sản lấy lợn con giống để nuôi thương phẩm. Các lứa lợn con được sinh ra gối nhau nên chuồng nuôi lợn thương phẩm nhà anh lúc nào cũng có khoảng 70 - 80 con. Với qui mô chăn nuôi khá lớn như vậy nhưng mọi công việc từ cho ăn, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng… đều do hai vợ chồng anh Toàn tự tay đảm nhận mà không phải thuê mướn thêm nhân công. Nhờ mạnh dạn áp dụng đúng qui trình kĩ thuật cùng với những kinh nghiệm tích luỹ và sự cần cù nên đàn lợn nuôi của gia đình anh rất hiếm khi bị mắc bệnh, bình quân mỗi năm cho thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng/năm.

Cùng với đó, để tạo khí đốt cho gia đình, tiết kiệm chi phí, tận dụng chất thải đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, gia đình anh đầu tư lắp đặt hệ thống biogas gồm hai hầm chứa thể tích 30 m3 mỗi hầm phía sau chuồng trại. Việc sử dụng hầm biogas cũng đã tiết kiệm cho gia đình anh một khoản chi phí khá lớn so với việc dùng gas mà vẫn an toàn và hiệu quả.

 Nhận thấy, mô hình chăn nuôi khép kín của gia đình vừa đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường, vừa phòng ngừa dịch bệnh lại đem lại hiệu quả cao, nên gia đình anh đã vận động các hội viên nông dân trong trong CLB chăn nuôi của xã thực hiện mô hình này và đã đựơc các cấp Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở và các hội viên biểu dương.

Để vừa phục vụ cho chăn nuôi của gia đình, vừa phục vụ cho việc chăn nuôi của bà con nhân dân trong vùng và có thêm thu nhập, gia đình anh còn mở một cửa hàng bán thức ăn gia súc ngay tại nhà.

Không chỉ “nổi tiếng” với việc chăn nuôi lợn bằng mô hình khép kín cho thu nhập cao, anh Toàn còn được nhiều người biết đến với cái tên “ông chủ vườn chè” hay “đại gia chuối tiêu hồng”.

Đến thăm quan mô hình trang trại của gia đình anh, có lẽ ai cũng phải ấn tượng với vườn chè rộng gần 1 ha mênh mông, bát ngát tốt tươi. Nói về cây chè, anh chia sẻ: Thời gian qua, nhiều người thấy cây chè không có hiệu quả nên đã chặt bỏ hết để trồng các giống cây khác, thế nhưng anh nhận thấy cây chè dễ trồng, dễ chăm sóc, nếu so cây chè với nhiều loại cây khác còn có thu nhập cao hơn vì cây chè cho thu nhập thường xuyên, quanh năm, chứ không theo mùa. Với lại, ai cũng chặt cây chè thì cây trồng này sẽ lại có giá. Nghĩ vây, vợ chồng anh tích cực chăm sóc vườn chè nên vườn chè của gia đình anh tươi tốt quanh năm, để đỡ công lao động, anh mua máy hái chè, lô sao chè và máy vò tự động để phục vụ cho sản xuất chè khô. Thu nhập từ cây chè cũng cho gia đình anh khoảng 50 triệu mỗi năm.

 Cùng với việc trồng chè, anh còn dành 6000m2 đất để trồng chuối tiêu hồng. Năm đầu tiên trồng giống cây này, anh ra tận Công ty giống cây trồng Hà Nội để đầu tư mua 1.400 cây giống. Vừa trồng anh vừa đi một thăm quan một số mô hình trồng chuối tiêu hồng tại huyện Phú Xuyên - Hà Nội để học học hỏi thêm kinh nhiệm. Qua thăm quan, học hỏi, anh đã học thêm được công nghệ nhân giống cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô. Vì vậy, từ năm thứ 2 trở đi, anh không phải mua cây giống nữa mà tự thực hiện được việc nhân giống cây con cho gia đình. Anh Toàn cho biết thêm: Cây chuối được tạo ra theo công nghệ nhân giống nuôi cấy mô ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng khoảng 10 -11 tháng, ngắn hơn chuối tiêu trồng theo phương pháp truyền thống khoảng 1- 2 tháng. Chuối tiêu hồng có tỷ lệ ra buồng đạt 100%, trung bình mỗi buồng có 10 nải, năng suất cao hơn chuối địa phương từ 15- 20%. Quả chuối tiêu hồng đều, màu sắc đẹp, chất lượng thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Thời vụ trồng vào cuối tháng 01 đầu tháng 2 âm lịch, nêú chăm sóc theo đúng yêu cầu kỹ thuật thì cây chuối sẽ ra hoa đồng thời và cho thu hoạch đúng vào dịp tết. Vào thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ chuối trên thị trường cao, bán được giá. Mỗi buồng chuối có giá bán khoảng 150.000 - 200.000 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, với 6000m2 trồng chuối, gia đình anh đã có thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

 Với những hướng đi phù hợp trong việc phát triển kinh tế, gia đình anh Toàn đã trở thành một điển hình tiêu biểu cho phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương./.



Phùng Thị Lan - Chủ tịch HND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình