Là nông dân nhưng hiện nay anh có trong tay một cơ ngơi và vốn liếng mà bất cứ người dân nào cũng ao ước: Một căn nhà khang trang vào loại nhất nhì ngay ở trung tâm thị trấn Nông trường Việt -Trung (Bố Trạch – Quảng Bình), một trang trại rộng 14 ha trồng cao su và hồ tiêu trị giá tiền tỷ; bây giờ lại đang ấp ủ ý tưởng sang Lào thuê đất trồng cao su. Anh là Bế Văn Mai, người dân tộc Nùng ở thị trấn Nông trường Việt- Trung.
Lấy dưa hấu nuôi... cao su
Trong căn nhà hai tầng khang trang và có phần cầu kỳ mà để có được nó anh đã bỏ ra 500 triệu đồng vào thời điểm năm 2005, anh Mai đã kể cho chúng tôi nghe những nhọc nhằn của ngày đầu lập nghiệp. Bố anh- một cựu chiến binh người dân tộc Nùng ở Chí Thảo, Quảng Hoà, Cao Bằng tham gia giải phóng và tiếp quản Đồng Hới. Sau đó, ông sánh duyên cùng một cô gái người xã Lý Trạch và chọn quê vợ làm nơi định cư. Rời quân ngũ, ông là thế hệ đầu tiên xây dựng Nông trường Việt-Trung vào những năm 1959- 1960. Sinh ra và lớn lên ở Nông trường, sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, anh Mai trở về làm công nhân của Nông trường Việt- Trung. Qua những lần về thăm quê nội ở Cao Bằng, anh nhận thấy, đây là vùng đất cằn xen lẫn giữa những rặng núi đá tai mèo mà muốn có đất để trồng ngô, bà con dân tộc Nùng, Dao, Tày phải đưa từng nắm đất lên núi bỏ vào hốc đá để gieo hạt vào đó. Trái lại ở Nông trường Việt- Trung đất đai thì màu mỡ nhưng chưa được khai thác. Thế là anh nung nấu ý tưởng lập trang trại.
Anh nhớ lại: Đó là năm 1994 khi chương trình 327 ra đời, anh xin đất để làm trang trại. Đơn của anh được duyệt với diện tích 7 ha. Chưa dừng lại ở đó, anh làm tiếp một đơn nữa đứng tên bố anh, thế là có thêm chừng ấy diện tích nữa. Lúc bấy giờ, 14 ha đất anh được nhận là đồi hoang và nhiều bom bi còn sót lại sau chiến tranh. Vợ chồng anh, anh em trong đại gia đình và nhiều nhân công được anh thuê mướn đã quần quật vỡ vạc, cải tạo đất để trồng cao su.
Trong hai năm 1994, 1995, anh đã trồng được 14 ha cao su tiểu điền và 1 vạn cây tràm làm vành đai chắn gió trên diện tích đã nhận. Mừng là đã trồng được rừng cao su nhưng anh lại lo không đủ vốn để chăm sóc và bám trụ lâu dài trong những năm tiếp theo. Lúc bấy giờ vốn của chương trình 327 chỉ cho vay hỗ trợ đối với cao su trồng mới là 3 triệu đồng/ha, một năm chăm sóc 1 triệu đồng/ha. Số vốn 24 triệu đồng chưa thấm vào đâu nhưng vài năm sau cũng không có nữa. Nỗi lo trong anh như càng nhân lên trước sự sinh trưởng khá nhanh của rừng cao su đã vài ba tuổi.
Cùng với cao su, anh mua bò giống về cho các em vừa học vừa chăn dắt và trồng các loại cây ngắn ngày để có cái ăn trước mắt. Nghe tin ở quê ngoại Lý Trạch có nhiều người trồng được dưa hấu. Anh lặn lội xuống tìm hiểu, rồi quyết định bỏ ra 8 triệu đồng cày đất, mua phân bón để thí điểm trồng xen dưa hấu giữa lô cao su. Anh đánh cược với người có kinh nghiệm trồng dưa hấu rằng, nếu trúng anh chỉ lấy lại tiền vốn, còn ngược lại thì xem như anh chịu mất vốn. Vụ đầu, người trồng dưa thu 26 triệu đồng trên diện tích 4 ha trồng xen. Đó là vào năm 1995, lần đầu tiên dưa hấu được trồng thử thành công trên vùng đất đồi Nông trường Việt - Trung và trở thành loại cây làm giàu cho nhiều người sau này. Sau khi thu lượm được chút ít kinh nghiệm, anh quyết định tự trồng dưa hấu. Vào mùa, anh phải thuê xe chở ra các tỉnh phía Bắc để bán. Dù thu lãi chưa cao nhưng quan trọng là anh đã tạo được mối hàng. Vừa trồng dưa, anh vừa vận động các hô làm gò đồi cùng làm theo. Thực tế là cây dưa hấu ở thị trấn Nông trường này đã giúp cho nhiều người làm được nhà, mua xe máy và tái đầu tư cho sản xuất. Riêng với anh, nguồn thu từ cây dưa hấu đã cơ bản giải quyết khó khăn về vốn chăm sóc cây cao su. Điều quan trọng nữa là trồng dưa hấu dưới gốc cao su không chỉ giảm bớt công lao động làm cỏ mà tạo thêm khoáng chất cho cây cao su phát triển nhanh.
Đi làm thuê để lấy tiền trả công cho lao động
Từ năm 1999, khi cây cao su bắt đầu khép tán, anh Mai không trồng xen dưa nữa mà tập trung chăm sóc cao su. Anh đã thuê 5 lao động làm việc thường xuyên tại trang trại dưới sự điều hành của vợ và em trai. Mức lương trả hàng tháng cho lao động là 700- 800 nghìn đồng/tháng. Cũng vào thời điểm này anh quyết định nghỉ việc ở Cty Cao su Việt Trung và xin làm công nhân của Cty TNHH xây dựng tổng hợp Trường Xuân (Bố Trạch). Cái lý của anh là "đi làm thuê mỗi tháng được 4-5 triệu đồng có thể trả tiền công cho 5 hoặc 6 công nhân của mình rồi, sao lại không làm".
Dần dần, anh đã thu được mỗi loại một ít ở trang trại: 1 tấn tiêu trị giá 20 triệu đồng; 20 con bò và hàng trăm kg cá các loại, 7.000 cây tràm vành đai...từ đó sắm được 4 chiếc xe máy để đi lại, 1 máy múc làm công trình xây dựng, 1 xe công nông, ngôi nhà cấp 4 để phục vụ sản xuất. Năm 2004 khi cao su bắt đầu đến thời kỳ cạo mủ cũng là lúc anh nghỉ làm thuê để trở thành ông chủ theo đúng nghĩa của từ này.
Ý tưởng sang Lào thuê đất trồng cao su ?
Bây giờ cả 14 ha cao su của anh đã đi vào khai thác. Ngoài các thành viên trong đại gia đình gồm 7 anh em của mình và những người bà con từ quê hương Cao Bằng, anh Mai đã tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động với mức thu nhập mỗi tháng 1 triệu đồng. Bình quân một lao động được phân công cạo mủ 600 gốc cao su, tức là hơn 1 ha nếu tính theo diện tích. Mủ tươi được nhập cho Cty Cao su Việt- Trung mà theo anh có thấp đi một giá cũng không sao vì việc thu mua rất có trách nhiệm. Ngoài thu nhập hàng tháng, anh còn cho công nhân ứng trước tiền công để mua xe máy, mua sắm vật dụng gia đình. Giá cao su hiện đang khá ổn định và cao hơn cùng kỳ năm trước nên với khối lượng mủ cạo ra mỗi ngày, anh Mai thu trên 1,5 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm anh có thu nhập trên 500 triệu đồng từ riêng cao su.
Trong câu chuyện về làm ăn, không chỉ dừng lại ở ý tưởng trồng cao su vùng bản Lòm mà Bế Văn Mai đang ấp ủ dự định sang Lào thuê đất trồng cao su. Anh nói, xem ti vi thấy đất Lào màu mỡ, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã sang thuê 10.000 ha đất để trồng cao su. Nếu họ làm được thì mình cũng làm được, vấn đề là có được ủng hộ và có cơ chế hỗ trợ hay không mà thôi...