00:00 Số lượt truy cập: 2662947

Người nông dân nhân giống thành công cá chim trắng 

Được đăng : 03/11/2016
Cá chim trắng là loài cá nước ngọt có nguồn gốc tại vùng Amazon thuộc Nam Mỹ, du nhập vào nước ta từ năm 1998. Cá chim trắng có chất lượng thịt ngon, là loài ăn tạp, dễ nuôi và chóng lớn nên mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Tuy nhiên do nguồn gốc xuất xứ và môi trường sống khác nên việc nhân giống cá chim trắng là một kỹ thuật khó. Vậy mà, có một người nông dân đã nhân giống thành công loài cá này. Đó là ông Đồng Văn Vơn ở xã Nghĩa Châu, Nghĩa Hưng, Nam Định.

Phải thử thì mới biết

Xuất thân từ làng quê có truyền thống nuôi và ương nuôi cá bột nên từ nhỏ, ông Đồng Văn Vơn đã say mê công việc nhân giống cá. Qua nhiều năm trong nghề, mặc dù chỉ với khu bể ương nuôi được thiết kế rất đơn giản, nhưng ông đã nhân giống được hầu như tất cả các loài cá nước ngọt truyền thống như cá mè, cá trôi, cá chép, cá trắm. Khi biết cá chim trắng được du nhập về Việt Nam, ông muốn nhân giống cá này, bởi ông nghĩ “đó là giống cá mới, có rất nhiều triển vọng.” 

                                                     
                                                                 Cá chim trắng của ông Vơn

Nhưng cách đây mười năm, phần nhiều cá chim trắng giống được nhập từ miền Nam. Ở miền Bắc, lúc này, thị trường cá chim trắng còn rất hiếm. Đây lại là một loài cá được du nhập về, môi trường có thích nghi được với quê ông không là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Chưa kể việc nhân giống cá này thì ông Vơn chưa từng biết ai trước đó làm. Vì vậy, nếu bắt tay vào việc nhân giống cá chim trắng, với một người không qua lớp đào tạo chuyên môn như ông Vơn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Liệu ông có thành công như ông đã từng dễ dàng nhân giống các loài cá nước ngọt truyền thống trước kia?

Mặc dù không chắc chắn hoàn toàn, nhưng ông Vơn vẫn muốn thử sức mình. Ông bắt đầu tìm mua cá giống. Nhờ quen biết với bạn làm trong ngành thủy sản, ông mua được 500 cá chim trắng con 3 tuần tuổi.  

Không qua được mùa đông thứ tư

Để nhân được giống thì phải nuôi cá lớn. Trong 4 năm, ông Vơn nuôi vỗ cá chim trắng bố mẹ, cho ăn, chăm sóc cẩn thận. Hy vọng nhân được cá giống của ông Vơn cứ lớn dần theo độ tăng trưởng của đàn cá. Cuối cùng lứa cá bố mẹ đầu tiên đã đến độ tuổi sinh sản.

Tuy nhiên, lòng người không như ý trời. Mùa đông năm 2006, trời lạnh kéo dài, cá chim trắng không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt đã chết quá nửa. Cá chưa sinh sản đã chết, nuôi cá lớn còn không xong thì làm sao mà nhân giống được. Vì vậy, gia đình, bạn bè xung quanh đều khuyên ông nên bỏ, không làm nữa. “ Nuôi 3,4 năm mới nuôi lớn được nhưng rồi nó lại chết nhiều, chết mấy chục cân cá. Mà cũng vất lắm, cho ăn, thức đêm thức hôm bơm nước che chắn cho cá rồi mất bao tiền của.”- Bà Phạm Thị Chích, vợ ông Vơn nghĩ lại.

Trước suy nghĩ của vợ, ông Vơn băn khoăn nhiều nhưng với lòng yêu nghề nhân giống cá truyền thống, ông đã không từ bỏ. Ông thuyết phục vợ bằng cách… tìm cách chống rét cho cá. Ông tìm hiểu và biết được rằng nhiệt độ dưới 10oC, cá chim trắng có biểu hiện không bình thường và chết, lúc này cá giống rất dễ mắc bệnh trùng quả dưa, trùng bánh xe, nấm. “Tôi đọc báo, xem truyền hình và biết có nhiều cách chống rét cho cá như là để rơm rạ xuống dưới, bỏ bèo lên trên, phủ nilon trên, đêm bơm nước giếng…Tôi đã áp dụng theo và cá sinh trưởng rất tốt.”

                                                      
                                                  Ông Vơn kiên trì với việc nhân giống cá chim trắng

Cho cá sinh sản

Khắc phục được cái rét cho cá, ông kiên nhẫn chờ đến mùa sinh sản của cá chim trắng. Suốt từ tháng 2 đến tháng 6, hầu như ngày nào ông cũng lội xuống ao chọn lựa thật kỹ cá bố mẹ đủ tiêu chuẩn để tiến hành ghép đôi. 

Qua nhiều lần bắt cá ghép đôi, ông Vơn đã có kinh nghiệm trong việc chọn cá chim trắng bố mẹ. Những con được ông chọn là những con cá khỏe mạnh, cá cái thân hình chắc chắn, bụng cá phải căng, hơi to. Cá đực đạt tiêu chuẩn linh hoạt, xẹ sáng màu. Những con cá bố mẹ đạt tiêu chuẩn được ông thả vào khu bể riêng: “ Bể được cọ rửa sạch, mực nước 1m, bể rộng 3m, ở giữa có hệ thống kim phun để đảo trứng”- Ông Vơn nói.

Để tăng sức sinh sản giúp cá bố mẹ sản xuất được số lượng trứng nhiều hơn. Bí quyết của ông Vơn là tiêm thêm thuốc kích dục tố cho cá. Thời điểm tiêm là ngay sau khi bắt cá vào bể, lượng thuốc cho cá đực chỉ bằng 1/3 so với cá cái, sau khi tiêm khoảng 12h thì cá sẽ sinh sản.

Rút ra nhiệt độ cho đẻ và ấp nở trứng

Sau khi đẻ, cá bố mẹ được mang ra khỏi bể thả lại vào ao. Còn trứng thì được ấp nở trong khu bể. Nhưng trứng nhiều mà số lượng con giống nở ra thì lại rất ít. Tỉ lệ trứng hỏng lớn. Với hiệu suất như thế này thì bán cá giống không đủ để thu lại tiền công sức chăm sóc và vốn đầu tư. Mặc dù lúc này đồng nghiệp và gia đình lại tiếp tục khuyên ông dừng lại, nhưng ông vẫn thuyết phục họ tin tưởng mình, bởi vì ông nghĩ “đã nuôi được cá bố mẹ rồi, mà cá lại dễ bán, giá cao nên phải cố khắc phục.”

Tình cờ, trong lần ấp nở hôm trời mưa to, nhiệt độ xuống thấp mà lứa đó, tỉ lệ con giống nở ra lại nhiều hơn hẳn. Ông Vơn đã thử nghiệm lại nhiều lần và rút ra một kinh nghiệm có thể nói là sống còn trong quá trình nhân giống cá chim trắng, đó là giai đoạn cá đẻ và ấp trứng nhiệt độ nước cần từ 14-18oC và nếu có mưa thì càng tốt vì trong giai đoạn này, thời tiết càng mát và ẩm thì cá sẽ sinh sản tốt hơn và trứng nở thành con với tỉ lệ cao hơn.

Trứng nở thành con, chỉ sau hai đến ba ngày là ông Vơn đã có thể xuất bán. Từ lúc trứng nở đến khi xuất bán, cá giống không cần phải cho ăn nhưng lại đặc biệt cần ô xy. Ông thiết kế bể có nước được đảo liên tục bởi hệ thống kim phun dưới đáy. Hơn nữa, nước luôn lưu thông, nước vào bể bằng vòi và kim phun, đồng thời thoát ra ngoài theo vòm trụ tròn thiết kế ở giữa bể. Để tránh cá giống nhỏ theo nước trôi ra ngoài thì ông Vơn đã dùng lưới tròng bằng cước phù du để ngăn giữa. 

                                                       
               Bể ấp trứng cá của ông Vơn

Đam mê nhân giống cá

Nhờ chọn đúng thời điểm sinh sản và áp dụng các biện pháp chăm sóc tốt mà tỷ lệ trứng ấp nở thành công trong bể của gia đình ông Vơn đạt xấp xỉ 90%. Con giống sản xuất ra khỏe mạnh,  tỉ lệ hao hụt thấp. Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm nhân giống cá chim trắng đối với ông Vơn quả là không dễ dàng. Nhưng vượt qua tất cả những thử thách đó, người nông dân Đồng Văn Vơn đã thành công.

Những ngày tháng kiên trì đeo đuổi, bao mồ hôi công sức đã được đền bù xứng đáng. Hiện giờ cứ vào vụ là hằng trăm vạn con giống sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Cá giống của gia đình ông không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của xã mà còn cung ứng cho khắp các tỉnh miền Bắc.

Với những đóng góp của mình trong việc sản xuất nhân giống cá thì ông Đồng Văn Vơn đã được trao tặng rất nhiều giấy khen cho thành tích của mình. Nhưng chắc hẳn, bản thành tích của ông sẽ còn dài vì trước sự giao thương rộng mở như hiện nay thì sẽ có nhiều giống cá mới du nhập vào Việt Nam. Hy vọng rằng trong tương lai, với lòng say mê nghề nghiệp, kiên trì, ham học hỏi cái mới, người nông dân Đồng Văn Vơn sẽ tiếp tục chinh phục, nhân giống được nhiều loài cá mới.