00:00 Số lượt truy cập: 3082272

Người nuôi cá ở Phú Thiện - Gia Lai: Ngẩn ngơ sau bão 

Được đăng : 03/11/2016

So với các địa phương trong tỉnh Gia Lai thì Phú Thiện là huyện có tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản tương đối lớn. Chưa kể diện tích mặt nước của công trình đại thuỷ nông Ayun Hạ, toàn huyện có hơn 300 ha mặt nước ao hồ nuôi thuỷ sản trong nhân dân. Vậy mà cơn bão số 9 và số 11 vừa qua, nước lũ đã cuốn trôi hầu hết diện tích này.


Từ khi công trình thuỷ lợi Ayun Hạ chính thức đi vào hoạt động, cánh đồng khô cháy Ayun Pa (tập trung chủ yếu ở huyện Phú Thiện bây giờ) bỗng trở mình hồi sinh. Nước về trên khắp cánh đồng rộng lớn, nước len lỏi đến từng xóm làng, đến tận chân cầu thang nhà sàn của người J’rai ở đây. Theo đó, từ một vụ lúa bấp bênh, bà con nơi đây đã trồng được lúa nước hai vụ, ba vụ với năng suất lên đến trên 12 tấn/ha. Bên cạnh lúa nước, hàng trăm hộ gia đình ở Phú Thiện còn đào ao thả cá, nhà nào ít thì vài trăm mét vuông mặt nước, có nhà lên đến cả mấy ngàn mét vuông mặt nước thả cá. Con cá đã thực sự đưa nhiều nông hộ ở Phú Thiện thoát nghèo, dần vươn lên khá giả. Thế mà chỉ trong một trận lũ, sáng ra mở mắt nhiều hộ nuôi cá ở Phú Thiện đã thành… trắng tay!

Báo cáo của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Thiện cho biết: Toàn huyện có trên 300 ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thuỷ sản trong nhân dân, trận lũ trong cơn bão số 11 mới đây, tuy chưa thống kê đầy đủ nhưng có không dưới 300 ha bị mất trắng do lũ nhấn chìm hoặc cuốn trôi, nhiều xã bị thiệt hại lớn như Chư Athai 51 ha, Ia Sol 20 ha…

Chúng tôi về thôn Ia Jurt, xã Ia Sol ngay sau trận bão lũ số 11. Nước đã rút, trời đã nắng, tuy nhiên bà Phạm Thị Bắc vẫn không buồn ra đồng để gặt nốt diện tích lúa còn ngả nghiêng sau bão. Năm 2005, gia đình bà đầu tư đào một ao nuôi cá trong vườn rộng khoảng 1.000 m2, chuyên thả cá chép và cá trắm cỏ để lấy giống bán cho những hộ nuôi cá trong xã và những xã lân cận.

Tuy không phải là nghề chính nhưng một năm hai lứa, gia đình bà cũng có lãi trên 20 triệu đồng từ ao cá giống này. Vậy mà cơn bão số 9, nước lũ ngập bờ, cuốn trôi cả đàn cá. Nghĩ trời đã… yên nên ngay sau đó, gia đình bà lại đắp đập be bờ, gia cố ao cá và đầu tư tiếp 3 triệu đồng tiền cá giống. Cơn bão số 11 ập đến, nước lũ lên đến nửa vách nhà, cá theo lũ mất sạch. Chưa hết, hơn 100 bao lúa vừa thu hoạch xong cũng bị ngập chìm trong nước, sau lũ, lúa lên mầm đâm cả ra ngoài bao. Trắng tay! Bà buồn bã: “Phải chờ thôi, từ giờ đến cuối năm không biết có còn trận lũ nào nữa không. Mà có muốn đầu tư lại cũng… hết tiền rồi!”.

Cũng ở thôn Jurt xã Ia Sol, gia đình ông Nguyễn Xuân Hùng đầu tư nuôi thả cá với quy mô lớn: Một hệ thống với 3 ao liên hoàn rộng 8.500 m2 mặt nước, có bờ kè, có hệ thống cây xanh chắn gió, chắn sóng… Hàng năm, gia đình ông đầu tư không dưới 50 triệu đồng mua cá giống với các loại như chép, trôi, mè, trắm cỏ… Công việc không phải là vất vả nhưng mỗi năm thu lãi không dưới 60 triệu đồng từ những ao cá này.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: Để gỡ rối trước mắt cho bà con, huyện đã làm việc với các Ngân hàng, thoả thuận giãn nợ cho dân. Đồng thời tìm nguồn vốn cho dân vay ưu đãi để tái đầu tư, cử cán bộ kỹ thuật xuống giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ…

Cơn bão số 9 đã cuốn đi gần nửa số cá trong ao, gia đình ông lại xoay sở từ nguồn vay Ngân hàng Nông nghiệp huyện, Ngân hàng Chính sách huyện, kể cả vay ngoài với lãi suất cao, được 48 triệu đồng mua cá giống thả lại. Chưa kịp nhìn đàn cá đớp nước thì cơn bão số 11 đã đưa lũ về ngập nửa vách nhà, đồ đạc trong nhà cái nào không trôi thì cũng phải bỏ đi bởi không dùng được. Tất nhiên, 8.500 m2 mặt nước ao cá của gia đình ông cũng… hoà chung vào “biển nước”. Vợ ông Hùng đứng bên ao cá mà không cầm nổi nước mắt: “Không biết khi nào mới trả hết nợ đây!”.

Ông Đinh Văn Chinh - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sol cho biết: Toàn xã có 1.254 ha lúa nước. Rất may là trước bão, bà con đã kịp thu hoạch trên 70% diện tích lúa chín. Tuy nhiên cũng có 350 ha bị thiệt hại, trong đó mất trắng khoảng 100 ha. Cả xã có 25 ha mặt nước ao hồ nuôi thả cá trong dân thì 20 ha bị thiệt hại do bão. “Cái khó là hầu hết người nuôi trồng thuỷ sản trong xã đều phải đi vay vốn Ngân hàng, thậm chí không ít hộ phải vay ngoài với lãi suất cao. Bây giờ, bà con vừa lo trả nợ, vừa lo chạy vốn làm lại từ đầu bởi không thể để không ao cá”, ông Chinh nói.