00:00 Số lượt truy cập: 3076271

Người nuôi tôm cần nói không với Trifluralin 

Được đăng : 03/11/2016

Trifluralin là chất nằm trong danh mục thuốc cấm sử dụng của Bộ NN&PTNT. Do chưa có chất thay thế nên người nuôi tôm vẫn còn tiếp tục sử dụng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu mặt hàng tôm sú hiện nay.


Vừa qua, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 20 ngày 2/4/2010 về danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản, thú y và sản xuất nông nghiệp, trong đó có Trifluralin.

Trifluralin được sử dụng để trị nấm sợi trên ấu trùng tôm, xử lý ao đầm, diệt ký sinh trùng. Đặc biệt, Trifluralin được người nuôi tôm công nghiệp sử dụng để trị bệnh đóng rong trên tôm rất phổ biến và nó đang là rào cản cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng tôm sang thị trường nước ngoài.

Người nuôi tôm cần tìm hiểu rõ nguồn gốc và các chất cấm sử dụng trước khi sử dụng tại những cửa hàng bán vật tư nông nghiệp - thủy sản có uy tín.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau, cho biết, Bộ Công thương tiếp tục nhận được công văn của cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông báo có 32 lô tôm Việt Nam vi phạm dư lượng Trifluralin và Chloramphenicol. Trong đó, Cà Mau có 6 lô.

Đây là một bất lợi cho con tôm Việt Nam khi thị trường Nhật Bản chiếm 30% lượng tôm xuất khẩu. Nếu tình trạng tôm Việt Nam tiếp tục còn sử dụng chất Trifluralin thì Nhật Bản không nhập tôm Việt Nam nữa, dẫn đến tôm sú sẽ rớt giá và người nuôi chịu thiệt.

Để khắc phục tình trạng sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản, ông Thuận nhấn mạnh, cần tập trung phòng ngừa từ "gốc" tại các điểm nuôi tôm. Do các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm người dân còn thiếu thông tin, do đó cần thường xuyên phổ biến tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các đối tượng này hiểu biết chấp hành và không sử dụng các loại thuốc, hóa chất cấm.

Ông Lâm Thanh Dũng, Chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, cho biết: "Chúng tôi không biết chất Trifluralin là chất dùng để diệt nấm, rong rêu trên con tôm và cũng không biết nó là hóa chất bị cấm sử dụng của nhà nước. Anh em chúng tôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước trong các vụ nuôi vừa qua".

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở NN&PTNT thì với tinh thần khẩn trương ngăn chặn việc kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các sản phẩm có chứa hoạt chất Trifluralin và các chất cấm sử dụng khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Đoàn kiểm tra chất lượng hàng hóa chuyên ngành nông nghiệp - thủy sản của Sở NN&PTNT phối hợp với Thanh tra Tổng Cục Thủy sản, tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản và vùng nuôi tôm thương phẩm trọng điểm trong địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra 27 cơ sở kinh doanh thuốc hóa chất, 16 hộ nuôi tôm công nghiệp thì có 1 hộ nuôi tôm công nghiệp và 1 hộ kinh doanh sử dụng chất cấm Trifluralin.

Về phía người nuôi tôm, do khâu kỹ thuật quản lý và theo dõi ao nuôi chưa tốt dẫn đến môi trường ao nuôi biến đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm, vi khuẩn phát triển làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Lúc này người nuôi tôm hoang mang nên không biết sử dụng hóa chất hay kháng sinh nào để thay thế khi tôm nuôi của mình bị bệnh nên nhắm mắt sử dụng liều.

Vì vậy, để tránh sử dụng các loại sản phẩm có chứa Trifluralin, người nuôi tôm cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và đặc biệt quản lý tốt môi trường ao nuôi. Nên lựa chọn một loại sản phẩm men vi sinh thích hợp để xử lý nước ao nuôi vì tính an toàn sinh học và bền vững cho môi trường nuôi.

Đây được xem là giải pháp tốt nhất khi chưa có chất thay thế để loại bỏ dần việc sử dụng các chất có chứa Trifluralin và các chất kháng sinh khác trong nuôi trồng thủy sản, để bảo vệ cho ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau thời gian tới.