Những năm tháng sống trong tình yêu thương của đồng đội và đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã giúp anh thương binh Nguyễn Quang Chiến thêm nghị lực sống. Từ miền quê cát cháy Quảng Trị anh vào Gia Lai lập nghiệp với hai bàn tay trắng^, đến nay anh đã xây dựng thành trang trại VAC liên hoàn, đầy đủ tiện nghi… mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng.
Trở về từ cuộc chiến tranh khốc liệt
Học xong cấp 3, không tất bật chọn trường học, trường nghề, Nguyễn Quang Chiến lên xã đăng ký tình nguyện nhập ngũ. Ba anh thở dài đăm chiêu, còn mẹ anh thì hết đứng lại ngồi, đi ra đi vào, giục ông đừng cho anh nhập ngũ. Bà bảo, anh nên đi học tiếp để sau này có công ăn việc làm ổn định. Cuối cùng ba anh cũng đồng ý cho anh vào bộ đội.
Tháng 12-1977, anh nhập ngũ và huấn luyện ở Trung đoàn 6, Tỉnh đội Bình Trị Thiên (nay là BCHQS tỉnh Quảng Trị). 7 tháng sau, anh về đơn vị mới, đóng quân ở Tây Nguyên rồi chốt giữ ở vùng biên giới Tây Nam, tiếp giáp Campuchia. Mặt trận 479 đêm ngày không ngớt tiếng súng, đơn vị anh (Đoàn 174, Quân khu 7) qua Xin Xê Pôn, Xiêm Riệp, đến Bat Tam Boong...
Tháng 3-1980, chuẩn bị cho trận tập kích vào cao điểm 175, nơi cố thủ của bọn tàn quân Pôn Pốt (sát biên giới Thái Lan), trên đường đi trinh sát, anh Chiến vướng mìn và bị thương ở chân. Khi tỉnh lại, anh tự băng bó vết thương rồi cố bò ra đường lớn, nhưng máu ra nhiều quá, bò một đoạn anh lại bất tỉnh. Hai ba lần ngất đi tỉnh lại, đến ngày thứ hai, anh em mới tìm được Chiến đưa về điều trị tại Bệnh viện Xiêm Riệp. Vết thương bình phục, anh xin bác sĩ cho về đơn vị tiếp tục công tác. Năm 1983, vết thương tái phát nhiều lần, sức khỏe yếu, đơn vị giải quyết cho anh ra quân.
Thương binh tàn nhưng không phế
Hành trang trở về của anh thương binh Nguyễn Quang Chiến chỉ vỏn vẹn 3 bộ quần áo và những bằng khen "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" làm quà tặng cha mẹ! Ông bà khuyên anh nên lấy vợ rồi còn tính chuyện làm ăn… Vùng đất đỏ Tây Nguyên như níu chân anh, Chiến quyết định vào Gia Lai lập nghiệp. Những ngày đầu, giữa vùng đất lạ đi xin việc thật là gian nan. Nhiều cơ quan, đơn vị "hứa" nhận nhưng anh chờ mãi không thấy tin tức. Không nản chí, anh lại gõ cửa nhiều nơi, cuối cùng, lãnh đạo Nhà máy chè Biển Hồ nhận anh làm bảo vệ.
Chia sẻ và cảm phục, cô công nhân Nguyễn Thị Hải đã đem lòng yêu thương anh. Năm 1984, quà cưới của anh chị là ngôi nhà nhỏ được anh em trong tổ vào rừng chặt cây, cắt tranh dựng nên. Nhưng mái nhà tranh của anh chống đỡ chưa được bao lâu thì nắng xuyên mái lá, mưa thì nước nhỏ tong tong xuống nền. Nhiều đêm vợ chồng anh trăn trở, động viên nhau cố gắng vượt qua! Anh Chiến quyết chí thoát nghèo bằng nghề nuôi ong lấy mật.
Lúc đầu 10 đàn, 25 đàn, sau đó anh nhân rộng trên 300 đàn, thu nhập một năm khoảng 20 triệu đồng. Năm 1990, vợ chồng anh mua được xe máy, ti vi, xây nhà… Năm 1995, nhà máy có chủ trương trồng chè liên kết: xí nghiệp cho vay vốn, cấp đất "có thưởng", sản phẩm được tính phần trăm, 3 năm hoàn vốn thì đất thuộc sở hữu gia đình. Anh Chiến là người đầu tiên đăng ký thực hiện. Sau đó, cách làm này đã được nhiều nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên vận dụng.
Quyết chí làm giàu
Vợ chồng anh Chiến lúc này đã có "đất thưởng" của nhà máy nhưng ngoài giờ làm việc vẫn tích cực khai hoang thêm để trồng cà phê. Thu nhập từ nuôi ong, anh Chiến dành dụm mua bò. Năm 1995 cà phê rớt giá, nhiều người lỗ nặng, nợ ngân hàng chồng chất, không ít hộ chặt bỏ cà phê. Anh Chiến kiến nghị chính quyền địa phương vận động bà con duy trì cây cà phê, trồng xen kẽ các loại cây khác như bời lời, bí đỏ, bắp lai… để "lấy ngắn nuôi dài". Cuối cùng anh đã thắng lợi, nhiều hộ dân nghe theo anh đã trúng mùa, nông sản được giá, thu nhập ổn định. Sau bận đó, giá cà phê tăng cao, nhiều người trả hết nợ và giàu lên.
Có đất, có tiền thu nhập từ cà phê, nuôi ong, heo, bò…, năm 2000, vợ chồng anh tập trung làm trang trại. Để thuận lợi việc đi lại, vợ chồng anh vận động một số hộ gia đình xung quanh chung vốn đầu tư làm đường liên thôn, mời kỹ sư về làm "nhà máy thủy điện gia đình". Có điện, đường sá thông suốt, anh Chiến tập trung cho vườn cây, chủ lực vẫn là cà phê (trên 3ha) và các loại cây ăn quả "chất lượng cao" như xoài, sầu riêng. Quanh gốc cây, anh trồng đan xen bí đỏ, bắp lai, dứa cao sản; anh cho đào ao vừa nuôi cá, vừa cung cấp nước tưới cây và nguồn nước chính cho nhà máy "thủy điện gia đình"… Đến nay, trang trại của anh đã đứng vững, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Chiến thu nhập trên 500 triệu đồng. Đứa con đầu của anh đang học đại học ở Quy Nhơn, hai cháu nhỏ đang học cấp 3, ngoan hiền hiếu thảo.