00:00 Số lượt truy cập: 2999158

Người tiên phong nuôi tôm trên cát ở xã Quảng Xuân 

Được đăng : 03/11/2016
Là một địa phương có nhiều đời gắn bó với nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên biển, nên trước đây, người dân làng biển Công giáo Xuân Hoà, Quảng Xuân, Quảng Trạch (Quảng Bình) vốn khá xa lạ với việc nuôi trồng thuỷ sản. Nhưng một vài năm trở lại đây, nhờ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhiều gia đình ở đây vừa đẩy mạnh phát triển nghề đi biển vừa đầu tư phát triển nuôi trồng các loại thuỷ sản, đưa lại thu nhập cao, góp phần mở ra một hướng làm giàu mới cho người dân nơi đây.


Được sự giới thiệu của các cán bộ trong Thường trực hội Nông dân xã Quảng Xuân, tôi đã có dịp đến tham quan, tìm hiểu mô hình nuôi tôm trên cát hiệu quả, mang lại thu nhập cao của gia đình anh Nguyễn Thanh Sơn đúng vào dịp mùa thu hoạch tôm bắt đầu.

Khi được hỏi về cơ duyên đưa anh đến với nghề nuôi tôm - nghề mà nhiều người vẫn ví von không khác gì “trò chơi đánh bạc” vì độ rủi ro khá lớn – anh Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Vốn quen với nghề đi biển từ lâu đời, nên trước đây, việc phát triển mô hình nuôi tôm trên cát đối với anh là khá xa lạ. Nhưng khi nhận thấy thế mạnh của địa phương có bãi cát hoang hóa ven biển còn khá lớn, chưa được sử dụng, anh Nguyễn Thanh Sơn, đã mạnh dạn xin UBND xã cải tạo 9.000m2 đất cát hoang hóa ven biển của để thành lập trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh. Lúc đầu, khi thấy anh bắt tay vào cải tạo cả một vùng cát trắng vốn hoang hoá lâu năm, nhiều người ở thôn Xuân Hoà cứ tặc lưỡi cho anh là quá liều, vì sớm muộn cũng sẽ gánh lấy thất bại. Có dịp đọc sách, báo, xem ti vi thấy nhiều vùng đất cát ở Quảng Bình như Nhân Trạch (Bố Trạch), Hải Ninh, Võ Ninh, Gia Ninh (Quảng Ninh) có nhiều mô hình nuôi tôm trên cát cho hiệu quả kinh tế cao, nên anh Sơn càng vững tin vào quyết định táo bạo của mình.

Để có nguồn vốn đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng hiện đại, anh Nguyễn Thanh Sơn đã thế chấp các loại tài sản trong nhà để huy động nguồn vốn từ nhiều nơi. Xác định được muốn làm ăn lâu dài thì phải đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, anh Sơn đã bỏ ra hơn 800 triệu đồng cải tạo, làm mới hơn 1 km đường vào khu nuôi tôm, đồng thời thuê máy cải tạo ao hồ, mua các trang thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ cho việc nuôi tôm. Để có thêm kỹ thuật, kinh nghiệm của nghề nuôi tôm theo hướng công nghiệp, anh Sơn đã ra tận Hải Phòng, vào Quảng Ngãi và nhiều địa phương có nghề nuôi tôm phát triển ở Quảng Bình để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời mạnh dạn thuê cán bộ kỹ thuật về chăm sóc, hướng dẫn các khâu trong quá trình thả nuôi, nên mấy vụ nuôi tôm vừa qua của anh đã thực sự thành công, tôm không bị nhiễm bệnh như ở những vùng lân cận.

Cuôí năm 2009, trên diện tích 9.000 m2 ao hồ, thả 15 vạn con tôm thẻ chân trắng. Qua hơn 3 tháng chăm sóc, anh Sơn thu hoạch được hơn 15 tấn tôm, tổng giá trị 810 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lãi trên 300 triệu đồng. Vụ nuôi đầu năm 2010, anh Sơn cũng đã thả hơn 15 vạn con tôm giống, chỉ trong vòng 3 tháng chăm sóc, anh cũng thu được gần 900 triệu đồng, thu lãi gần 350 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở những thành công ban đầu, hiện nay anh Nguyễn Thanh Sơn đang quyết tâm đầu tư, cải tạo, mở rộng thêm 20 ngàn m2 ao hồ để tiếp tục nuôi tôm với quy mô thâm canh theo hướng công nghiệp.

Học tập theo cách làm của anh Nguyễn Thanh Sơn, những năm qua, nhiều hộ ngư dân ở Xuân Hoà đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo hướng thâm canh, đưa lại hiệu quả khá cao.