00:00 Số lượt truy cập: 3193532

Người tiên phong trồng cây thanh long ruột đỏ ở Thừa Thiên Huế 

Được đăng : 03/11/2016

Đến xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, hỏi thăm anh Hiệp, chi hội trưởng Chi hội trang trại thôn Hà Lạc thì ai cũng biết. Không chỉ là người làm kinh tế VACR giỏi mà anh còn nổi tiếng là người đầu tiên mạnh dạn trồng cây thanh long ruột đỏ ở Thừa Thiên Huế và đã thành công.


Tháng 9/2007, anh Hiệp xin chính quyền xã và huyện cấp 8,9 ha đất cát bạch sa tại thôn Hà Lạc để thực hiện “Dự án xây dựng và phát triển kinh tế trang trại tổng hợp VACR”. Những ngày tháng đầu tiên mới ra khởi nghiệp ở vùng cát hoang vu, đầy nắng gió, bà con nông dân quanh vùng và những người thân thiết với anh đã ngăn cản, nói rằng anh liều lĩnh, mạo hiểm giống như chơi một canh bạc cuối cùng. Với ý chí quyết tâm, cùng với vốn tự có, anh động viên vợ thế chấp 02 căn nhà, 01 xe ôtô để vay ngân hàng 600 triệu đồng đầu tư giai đoạn I dự án, tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng. Đầu tiên, anh xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường nội bộ, nhà xưởng, nhà kho, 4 khu chuồng trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp. Anh đầu tư hệ thống điện lưới 3 pha, khai thác nước ngầm bằng 6 giếng khoan, đào 03 ha gồm 6 hồ nuôi cá nước ngọt,01 ha anh dành để mở một vườn cây cảnh theo hướng sinh thái. Ngay những tháng đầu tiên của năm 2007, anh đã qui hoạch trồng rừng hơn 5 ha tràm lai gồm 10 vạn cây và trồng 500 cây huê lấy giống từ Hà Nội. Do là vùng cát bạch sa không có chất mùn và chất hữu cơ, anh phải đổ hơn 100 xe đất bồi, tổng cộng 800m3 hết 50 triệu đồng...

Với 6 hồ cá nước ngọt 3 ha, anh nuôi các loại mè, trắm, chép, trê lai, rô phi, đơn tính, thu hoạch đã được 3 năm, thương lái về mua tại chỗ, mỗi năm cho lãi ròng 150 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí sản xuất. Ngoài ra, tháng 5/2011 vừa qua, anh đã bán 300 con gà sao được 60 triệu đồng. Với 4 khu chuồng trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp, mỗi khu dài 50 mét, anh chia ra 1 khu nuôi lợn nái vừa đẻ, vừa mang thai, 1 khu nuôi lợn sau cai sữa, 2 khu nuôi lợn thịt; đây là mô hình người chăn nuôi Thái Lan đang áp dụng mà anh đã học tập được; giống lợn ngoại siêu nạc IORSAI và LANDRAT được hai kỹ thuật viên tự pha chế, phối tinh và tiêm phòng, trong quá trình nuôi đã cho năng suất, chất lượng cao, lợn nái đẻ ra sau một thời gian chuyển lợn con sang khu nuôi sau cai sữa và khu nuôi lợn thịt, nhờ đó, mỗi tháng anh xuất chuồng 2 lần, mỗi lần 4 tấn, có nghĩa là 100 tấn lợn hơi/năm, tính theo giá thị trường hiện nay bình quân 40.000 đồng/kg, vị chi là anh có trong tay 4 tỷ đồng, trừ mọi chi phí sản xuất còn lãi ròng 1,2 tỷ đồng. Riêng về 5 ha rừng tràm lai trồng đã được 5 năm, anh cho biết 5 năm nữa chỉ thu lấy gỗ nhằm mục tiêu giữ rừng phòng hộ, đảm bảo môi sinh theo hướng bền vững, lâu dài. Anh cho biết, đang tiếp tục làm dự án xin vay ngân hàng để đầu tư giai đoạn II với tổng vốn 1,5 tỷ đồng nữa, bao gồm nâng cấp 4 khu trại nuôi lợn, mở rộng khu trang trại sinh thái gồm rừng tràm lai, cây huê, nuôi cá sấu, đà điểu và làm dịch vụ câu cá thư giãn phục vụ khách tham quan.

Anh là người tiên phong trồng cây thanh long ruột đỏ lấy giống từ Thái Lan trên địa bàn tỉnh. Với 4 dãy trụ bê tông gồm 600 gốc trồng được 2 năm, bán lứa trái bói đầu tiên, anh lãi ròng 82 triệu đồng. Anh bảo, cây thanh long ruột đỏ rất dễ chăm sóc, không tốn nhiều công sức, chỉ cần bón phân hữu cơ và phân NPK. Sắp tới, anh sẽ dùng hệ thống điện sáng để kích thích cây ra hoa nhiều hơn như các chủ trang trại ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh Nam Bộ đã làm.

Bây giờ, nếu ai có dịp đến thăm trang trại của anh, sẽ thấy một màu xanh bát ngát của rừng, của nước, của gió mát trăng thanh trong một khung cảnh bình yên, nhưng bên trong lại sục sôi ý chí của những người lao động cật lực để đem lại những tin vui cho đời./.