Người trồng lúa lãi chưa tới 30%
Được đăng : 03/11/2016
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đầu kỳ họp này tiếp tục nêu vấn đề đã nhiều lần được đề cập: “bảo đảm cho người sản xuất lúa có lãi bình quân hằng năm tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất”.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Cường - chủ tịch Hội Nông dân VN - về vấn đề này. Ông Cường nói:
- Để người nông dân bán lúa có lãi 30-40%, nhất là người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, phải có giải pháp về tiêu thụ nông sản chứ không thể chỉ với 1-2 biện pháp đơn thuần. Ở đây liên quan đến giá cả thị trường, sự cạnh tranh bên ngoài, vì hiện nay chủ yếu doanh nghiệp mua lúa để xuất khẩu nên phụ thuộc vào giá cả bên ngoài.
* Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho biết theo phản ảnh của bà con nông dân, giá sàn mua lúa hàng hóa hiện nay đang áp dụng là 4.000 đồng/kg, giá mua này không thể đảm bảo lãi 30%?
- Muốn người sản xuất lúa có lãi 30% trở lên thì giá mua phải cao hơn giá mua hiện nay. Đúng là ở thời điểm này giá mua 4.000 đồng/kg không thể đảm bảo có lãi trên 30%, bởi vì ở ta chi phí sản xuất lúa khá lớn, mà phương pháp thu hoạch còn yếu tố thủ công nên thất thoát lớn. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng của thời tiết, độ rủi ro cao.
* Vậy theo ông, cần làm gì để bảo đảm cho người sản xuất lúa có lãi tối thiểu 30%?
- Khi nói lãi 30% cũng chỉ mới tính đến các chi phí thông thường như giống, thuốc trừ sâu, lao động đơn thuần... chứ chưa phải hạch toán kỹ. Trong khi đó thực tế người sản xuất lúa còn nhiều chi phí khác.
Về thu mua lúa hiện do các doanh nghiệp trong Hiệp hội Lương thực thực hiện, nghĩa là hiệp hội không trực tiếp mua mà phải qua hệ thống trung gian nhiều tầng nấc. Chi phí vào đoạn này khá nhiều. Như vậy, chúng tôi cho rằng việc điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ phải chặt chẽ hơn, có bộ máy cụ thể tạo điều kiện giảm bớt trung gian. Đầu tư hệ thống kho chứa đảm bảo để chủ động hơn trong việc tham gia thị trường.
Về phía ngành nông nghiệp cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng lương thực, khi chất lượng lúa gạo của chúng ta tăng lên thì giá bán trên thị trường thế giới mới cao được.
* Liên quan đến xuất khẩu gạo, mới đây đại diện thường trực nhiều cơ quan của Quốc hội cho rằng hiện nay Hiệp hội Lương thực VN có những nhiệm vụ, quyền hạn không phù hợp với quy định tại Luật thương mại như: hướng dẫn giá các loại gạo xuất khẩu; tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê xuất nhập khẩu; hướng dẫn và điều hành xuất nhập khẩu mặt hàng gạo... Quan điểm của Hội Nông dân về vấn đề này như thế nào?
- Chúng tôi từng có ý kiến rằng Hiệp hội Lương thực chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cho các đơn vị kinh tế nhưng lại làm cả chức năng của cơ quan quản lý nhà nước thì không nên. Người ta nói là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, không rạch ròi được giữa quản lý nhà nước với việc kinh doanh của doanh nghiệp. Các chức năng thuộc về quản lý nhà nước thì bộ chuyên ngành làm mới có thể nhìn xa trông rộng và đồng bộ, còn về phía hiệp hội nên làm đúng chức năng của mình, đồng thời chấp hành nghiêm sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy sẽ bớt đi sự chồng chéo và minh bạch hơn.
Hiện nay đang có dự thảo nghị định về xuất khẩu gạo, vấn đề nêu trên cần được xử lý rạch ròi trong nghị định này cho hợp tình hợp lý với mục đích cao nhất là người nông dân đỡ vất vả.