00:00 Số lượt truy cập: 2999276

Người vác "trâu sắt" lên đỉnh Mẫu Sơn 

Được đăng : 03/11/2016
Trong một chuyến đi lên đỉnh Mẫu Sơn, chúng tôi được người dân ở đây kể về sự tích của người đảng viên trẻ Triệu Trằn Chu ở thôn Khuổi Tẳng xã Mẫu Sơn (Lộc Bình-Lạng Sơn) – người đầu tiên đưa " trâu sắt" lên đỉnh núi cao hơn 1000m này. Điều mà từ trước đến nay những người dân ở đây không ai dám nghĩ đến.



Đỉnh Mẫu Sơn thuộc xã Mẫu Sơn, có gần 40 hộ dân với 198 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao. Cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Từ xưa đến nay, họ đã quen với việc cày ruộng bằng con trâu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn rất xa lạ. Với cương vị là trưởng thôn và là người đảng viên duy nhất của thôn, anh Triệu Trằn Chu luôn trăn trở đưa bà con sớm thoát khỏi cái nghèo, cái lạc hậu.


Anh luôn nghĩ mình là người đảng viên nên phải làm trước để người dân noi theo. Năm 2006, sau nhiều lần đi lại, tìm hiểu và nhìn thấy những người dân tộc Tày, Nùng ở dưới chân núi Mẫu Sơn làm ruộng bằng máy cày nhanh và có hiệu quả hơn con trâu, anh bàn với gia đình bán đi 2 con trâu được hơn 18 triệu đồng. Số tiền đó vừa đủ mua chiếc máy cày. Anh cho biết khổ nhất là lúc mang máy về vì Mẫu Sơn cao trên 1000 mét so với mặt nước biển, nhà lại ở lưng chừng núi nên ô tô chỉ chở đến đường cái. Và thế là gia đình cùng với anh em trong họ tháo từng bộ phận của máy mang về nhà, sau đó mới thuê thợ lên lắp lại. Vậy là lần đầu trên đỉnh Mẫu Sơn rộn lên tiếng máy cày làm xáo động vẻ tĩnh lặng của một làng quê đói nghèo. Khi chiếc máy cày nổ máy và đi thử, bọn trẻ con rồng rắn chạy theo máy, vấp ngã dúi dụi...


Anh cho biết, những ngày đầu mua máy về chưa biết sử dụng mà nhà lại ở lưng chừng núi, chỉ một chút sơ sẩy là máy lao xuống vực như chơi nên anh chỉ tập lái ở trước sân nhà. Sau một tháng anh mới dám cho xe xuống ruộng cày thử. Biết lái là một chuyện còn cày lại là chuyện khác. Những ngày đầu cày mệt mà lại không hiệu quả vì cày con trâu khác với cày cái máy rất nhiều. Bằng lòng quyết tâm phải áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất anh đã không nản trí. Giờ đây anh đã rất thành thạo máy và làm ruộng một cách dễ dàng. Anh cho biết mỗi ngày anh cày được 4-5 sào, bằng 2 con trâu làm trong 5 ngày mà còn tiết kiệm được cho gia đình anh gần 1 triệu/vụ từ khâu làm đất và đảm bảo kịp thời vụ. Không chỉ có chức năng cày, bừa, vận chuyển mà nếu lắp thêm các thiết bị khác máy có thể xay xát, phát điện, bơm nước. Nhờ có máy cày mà gia đình anh làm ruộng lúc nào cũng làm xong sớm nhất thôn nên có thời gian nghỉ ngơi và làm những việc khác. Anh cho biết: "Gia đình tôi giờ làm 3 mẫu ruộng thấy nhàn rồi và thừa thời gian nên mỗi tháng gia đình tôi còn sản xuất được gần 2000 lít rượu tương đương với 2 tấn gạo và nuôi thêm 10 con lợn. Trừ chi phí mối năm thu về gần 100 triệu đồng". Nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nên anh đã đưa gia đình thoát nghèo và giải phóng được một phần sức lao động bằng chân tay.


Không những thế anh còn giúp đỡ và chuyền kinh nghiệm máy móc cho bà con trong thôn. Đến nay, nhiều gia đình trong thôn thấy anh làm ruộng bằng máy cày vừa nhanh, lại cho hiệu quả kinh tế cao nên đã mua máy cày về áp dụng vào sản xuất, hiện trong thôn đã có gần 10 chiếc máy cày được đưa vào phục vụ sản xuất. Giờ đây, ở Mẫu Sơn những ngôi nhà mới được làm bằng gạch, ngói mọc lên ngày một nhiều và xuất hiện những chiếc xe máy mới đắt tiền để trước hiên nhà người dân, trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường không phải đi giúp gia đình làm ruộng nhiều như trước đây vì thời gian mùa vụ đã được rút ngắn nhờ áp dụng khoa học vào sản xuất. Cuộc sống của người Dao Mẫu Sơn đang ấm no từng ngày nhờ công sức đóng góp của của người trưởng thôn giám nghĩ, giám làm.