00:00 Số lượt truy cập: 3049119

Nguy cơ bùng phát cúm gia cầm ở ĐBSCL: Nước tới chân... mới nhảy! 

Được đăng : 03/11/2016

Dịch cúm gia cầm đã tái phát ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại ĐBSCL, một trong những vùng có số lượng gia cầm lớn nhất cả nước, người dân đang chủ quan với dịch cúm gia cầm. Đáng quan ngại là tình hình vịt chạy đồng đang di chuyển bát nháo về các cánh đồng vừa thu hoạch lúa đông xuân. Nhiều vùng sâu, hẻo lánh gần như lực lượng thú y không thể “mò tới”!


“Lỗ hổng” từ gia cầm “chui”?

 

Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh này có khoảng 5 triệu con gia cầm; trong đó đàn vịt khoảng 4 triệu con. Mối lo lớn nhất của Đồng Tháp lúc này là các huyện đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, vịt chạy đồng từ các nơi ào ạt tràn về mang theo mầm bệnh tiềm ẩn.

Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, băn khoăn: “Dù tăng cường hàng loạt biện pháp nhưng thực tế không tài nào quản lý hết đàn vịt chạy đồng quá đông”. Tại An Giang, Kiên Giang, tình hình cũng tương tự. Thu hoạch lúa tới đâu, vịt chạy đồng xuất hiện đến đó.

“Khi phát hiện vịt chạy đồng từ nơi khác đến không có giấy kiểm dịch (chưa tiêm vaccine), chúng tôi cũng chỉ đuổi khỏi đồng – bắt chủ vịt quay lại địa phương” - ông Nguyễn Hiền Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hậu Giang nói trong thất vọng!

Tại Hậu Giang, số lượng mới tái đàn – nhất là vịt chạy đồng “lọt lưới” tiêm vaccine không thể thống kê hết ở các tỉnh ĐBSCL. Đây chính là “lỗ hổng” mà cúm gia cầm có thể tái phát bất cứ lúc nào.

Tràn lan gia cầm chưa kiểm dịch

Tình hình vận chuyển gia cầm ở ĐBSCL đang là thách thức lớn trong phòng chống cúm gia cầm. Trên các trục lộ chính, liên thông giữa các tỉnh đều có trạm kiểm dịch. Tuy nhiên, hệ thống sông ngòi chằng chịt ở ĐBSCL giống như “ma trận” làm đau đầu ngành thú y. Phần lớn việc di chuyển vịt chạy đồng dựa vào đường thủy.

Trong khi đó, việc buôn bán gia cầm ở các chợ quê và ven đô theo các tuyến lộ vẫn “vô tư” bán buôn gia cầm chưa được kiểm dịch. Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc thừa nhận: “Tình trạng gia cầm bán ở các chợ nông thôn chưa qua kiểm dịch đang làm đau đầu ngành chuyên môn bởi nguy cơ lây bệnh rất cao. Tỉnh đã yêu cầu các xã, huyện… quy hoạch mỗi nơi một điểm bán gia cầm tập trung để dễ kiểm soát. Tuy nhiên, đến nay chưa làm được”. Một lãnh đạo ngành thú y ở ĐBSCL nhìn nhận: Lực lượng thú y không thể mỗi ngày nào cũng đến kiểm tra các chợ quê dạng này.

Phòng chống cách nào?

Trước nguy cơ cúm gia cầm tái phát trở lại, UBND tỉnh Tiền Giang vừa triệu tập các ngành liên quan họp khẩn bàn giải pháp đối phó. Ngành thú y chuẩn bị sẵn sàng thuốc tiêu độc sát trùng và liên tục tiêm ngừa phòng bệnh. Tại Kiên Giang, UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành về việc phòng chống cúm gia cầm; trong đó yêu cầu các xã phải trực tiếp quản lý được số gia cầm trên địa bàn; lập lại các chốt kiểm dịch, nhất là khu vực biên giới. Tại Đồng Tháp, lực lượng thú y đã được huy động vào cuộc, 7 chốt kiểm dịch từ tuyến biên giới đến các khu vực giáp ranh được thiết lập. Nơi nào phát hiện bệnh lập tức tiêu hủy gia cầm ngay.

Như vậy, sau thời gian buông lỏng, các tỉnh ĐBSCL mới siết chặt nhưng thực tế vẫn không thể kiểm soát hết được đàn gia cầm – nhất là vịt chạy đồng. Phòng chống kiểu “nước đến chân mới nhảy” thì hiệu quả chưa biết ra sao?