00:00 Số lượt truy cập: 3048815

Nguy cơ mất 100.000 tấn lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Phan Huy Thông cảnh báo, trong điều kiện thời tiết thuận lợi thì với việc giảm diện tích gieo trồng trên 11.000ha vụ đông xuân 2007-2008, sản lượng lúa tại ĐBSH sẽ giảm 100.000 tấn so với vụ trước. Song, nếu thời tiết bất lợi, năng suất lúa có khả năng xuống thấp nữa. 

Ông Phan Huy Thông cho biết, diễn biến phức tạp của thời tiết đã tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Bắc. Đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã làm chết 200.000ha lúa, 18.000ha mạ cùng 35.000ha rau màu, làm đảo lộn cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy lúa đông xuân. Năng suất, chất lượng một số loại cây ăn quả, cây công nghiệp cũng bị ảnh hưởng. 

Đến nay, dù diện tích lúa đông xuân cơ bản đã cấy xong và đang phát triển tốt, song, với việc giảm 11.000ha Việt Nam đã mất khoảng 100.000 tấn lúa, chưa kể nếu thời tiết bất lợi con số này còn lớn hơn nhiều.

Trong khi đó, ở phía Nam, dịch vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu gây ra đã đe dọa tới 210.000ha lúc cao điểm. Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Nguyễn Quang Minh, các giám sát chủ động cho thấy có 30-80% rầy nâu vẫn mang virus gây bệnh.

Để phòng tránh, các địa phương phải chủ động lịch xuống giống vụ hè thu, thu đông để né rầy. Đặc biệt, cần triển khai mạnh hơn phương pháp canh tác “ba giảm ba tăng”.

Đồng thời, cần phải giãn vụ, tức là có một quãng “nghỉ" giữa vụ đông xuân và vụ hè thu. Việc này trên thực tế rất khó bởi do giá lúa cao, nông dân nhiều tỉnh ĐBSCL không kịp cho đất nghỉ ngơi, gieo cấy ngay lúa hè thu sớm sau khi kết thúc vụ đông xuân.

Với chăn nuôi, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, ngành đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giống nghiêm trọng. Tính riêng đợt dịch “tai xanh” năm ngoái đã làm chết 536.000 lợn nái, tương đương mất 4-5 triệu lợn thịt; đàn nái còn lại cũng bị giảm khả năng sinh sản. Bão lũ xảy ra liên tiếp ở miền Trung cuối năm 2007, cộng với đợt rét đầu năm ở các tỉnh phía Bắc đã làm ngành chăn nuôi thiệt hại tới 637 tỷ đồng. 

Việc khôi phục sản xuất càng khó khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng mạnh theo biến động của thị trường thế giới.

Chưa kể, song hành cùng nỗi khốn khổ của bà con nông dân là giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng hàng chục, hàng trăm phần trăm. Tình hình khô hạn cũng có những diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc, khi mực nước các hồ thuỷ điện thấp hơn 2-4m so với cùng kỳ năm 2007. Các hồ chứa tại miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ dù đạt 70-80% mức thiết kế nhưng do dung tích nhỏ nên nguy cơ thiếu nước rất lớn, nếu các địa phương không điều tiết nguồn nước hợp lý.

Trong bức tranh khó khăn chung, duy nhất việc giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng cao là điểm sáng. Tuy nhiên, bước sang tháng 3, tốc độ tăng kim ngạch giảm chỉ còn 1,6%, trong khi xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 3 tháng tăng 11,6%.

Chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai các nhiệm vụ cấp bách của ngành trong bối cảnh thiên tai dịch bệnh, biến động giá vật tư nông nghiệp ngày 27/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu của ngành là duy trì và tăng sản lượng các loại nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Ông Phát dẫn chứng, việc các loại thực phẩm tăng giá “phi mã” là do tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi chỉ đạt 4,6%, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng 7-8%. Do vậy, chỉ khi nào nông nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu người dân thì giá cả mới ổn định và giảm dần. Hơn nữa, do hội nhập nên giá nông sản trong nước cũng dao động bởi giá thế giới.  

Trước mắt, Bộ NN-PTNT đang tích cực hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp cấp bách khôi phục, phát triển chăn nuôi, nhất là về khâu giống, thức ăn chăn nuôi.

Về lâu dài, ông Hoàng Kim Giao kiến nghị, nên kết hợp việc khôi phục với rà soát lại quy hoạch để phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, được thuê đất 30-50 năm trở lên. Điều quan trọng, cần ban hành một gói chính sách hỗ trợ tổng thể cho các khu chăn nuôi này ở mức tương đương KCN.

Về giá vật tư nông nghiệp leo thang, giải pháp được đưa ra là điều chỉnh cơ cấu sản xuất, sử dụng tối ưu các loại vật tư, hỗ trợ ngư dân chuyển sang nghề tiêu thụ ít xăng dầu... Trên thực tế, dù giá vật tư tăng cao nhưng giá các loại nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, các loại thịt, trứng... cũng tăng nên nông dân vẫn có lãi. 

Vì thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngành tập trung cao độ hướng dẫn nông dân sản xuất có hiệu quả. Với nông sản chính, có thị trường tốt, cần tranh thủ thời cơ để làm ra nhiều sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con và trang trải chi phí cho ngành khác.