00:00 Số lượt truy cập: 3071544

Nguy cơ mất mùa vụ đông xuân ở ĐBSCL 

Được đăng : 03/11/2016
Hiện nay, tại ĐBSCL nước đang rút, nông dân chuẩn bị gieo sạ đồng loạt vụ Đông - Xuân, vụ lúa chính có năng suất cao nhất trong năm. Nhưng bà con xuống giống với tâm trạng bất an, vì rầy nâu và dịch bệnh ngày càng gia tăng mà chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.



Các ngành chức năng khuyến cáo, khi diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá 10%, thì phải ngưng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, còn bị nhiễm đến ngưỡng 30%, thì phải nhập khẩu gạo.

Từ ngày 15/11 đến 31/12/2006, nông dân tỉnh An Giang sẽ đồng loạt xuống giống đông xuân 2006-2007, là vụ lúa chính trong năm, nếu để mất mùa thì xem như thất bại cả năm. Là tỉnh có sản lượng lúa gạo đứng đầu cả nước nên chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh An Giang rất quan tâm, nhằm tìm ra giải pháp giúp nông dân có vụ mùa thắng lợi.

Hiện nay rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá đang hoành hành tại miền Đông Nam Bộ, Tp.HCM, Long An và Đồng Tháp với mức độ rất nghiêm trọng, lại gặp mùa gió đông bắc, hướng gió thổi từ Tp.HCM và Long An qua Đồng Tháp về các tỉnh thuộc biên giới tây nam trong đó có An Giang.

Cơn "áp thấp" dịch bệnh đang hình thành, hướng di chuyển của nó đang đe doạ vùng lúa ĐBSCL, khi gặp điều kiện thuận lợi, "áp thấp" sẽ tạo thành cơn bão "dịch bệnh", cấp bão có thể lên đến 13, 14 hay cao hơn không ai đoán được, hiện tâm bão đang hướng về An Giang và các tỉnh lân cận.

Trước đây diện tích nhiễm bệnh 10% là đáng báo động, nay ở vùng đầu hướng gió bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá đã nhiễm gần 30% diện tích, thì các tỉnh dưới hướng gió lo sợ là có cơ sở. Hiện nay bênh vàng lùn, vàng xoắn lá vẫn không có thuốc đặc trị, hơn nữa thời tiết vụ đông xuân rất thích hợp cho rầy nâu sinh sôi nẩy nở. Nguồn truyền bệnh gia tăng thì diện tích nhiễm bệnh có thể tăng cao hơn...

Xác định vụ lúa đông xuân này tỉnh An Giang sẽ bị những đợt rầy nâu di trú từ các tỉnh đầu hướng gió đến và cả rầy nâu đang tồn tại từ những ruộng lúa vụ ba, nên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang khuyến cáo bà con nông dân nên tuân thủ theo lịch xuống giống chung từ 15/11- 31/12/2006. Sở cho đặt hơn 50 cái bẫy đèn trong tỉnh để theo dõi rầy nâu vào đèn. Khi rầy nâu bay vào đèn là lúc con rầy trưởng thành đẻ trứng, 6 ngày sau sẽ chết đi. ở nơi nào có rầy nâu bay vào đèn cũng là lúc thích hợp cho địa phương nơi đó xuống giống. Thời gian ngâm ủ giống và gieo sạ đến khi lúa được 3 đêm vừa lên khỏi mặt đất thì lứa rầy này đã qua, như thế đã tránh được một lứa rầy và gần một tháng nữa mới có lứa rầy mới lặp lại.

Dự kiến vào ngày 24 - 25/11 sẽ có đợt rầy mới. Để giảm tác hại của rầy nâu các nhà khoa học khuyên bà con nông dân nên trộn lúa gống với Cruiser để ngăn ngừa rầy nâu chít hút trên mười ngày đầu và phải sạ hàng, sạ thưa rầy nâu sẽ ít tấn công hơn lúa sạ dầy, đồng thời cũng dễ phun thuốc diệt rầy khi có rầy bùng phát. Vụ hè thu vừa qua An Giang nhờ áp dụng sạ hàng nên diện tích bị nhiễm ít hơn các tỉnh khác.

Ngoài ra, bà con phải thường xuyên thăm đồng khi lúa còn dưới 45 ngày tuổi, khi thấy rầy cám nở ra vài ngày thì phun thuốc, không nên phân cử phun xịt tràn lan nhất là những loại thuốc làm chết thiên địch, mất đi hệ sinh thái tự nhiên, vô tình làm cho lúa bị rầy nâu tấn công mạnh hơn.

Bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá không thể nhận biết sớm, lúa non 10-15 ngày tuổi dù cho rầy nâu đã truyền bệnh rồi nhưng trông vẫn bình thường như lúa không bị bệnh, nhìn bằng mắt thường nông dân không nhận biết được.

Đến giai đoạn lúa 30-45 ngày tuổi thì mới phân biệt được cây lúa bệnh, nhưng lúc này quá trễ thời gian chăm sóc cây lúa đã được nửa đường và chi phí cũng chiếm hết hai phần ba, tức khoản 5 triệu đồng/ha. Nếu cây lúa bị bệnh nặng thì coi như mất trắng. ĐBSCL nông dân chiếm khoảng 80% dân số, nếu thất mùa vụ đông xuân thì coi như cả năm không có thu nhập lại còn mất vốn, kinh tế gia đình trở nên khó khăn. Diệt rầy nâu và ngăn chặn bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá một cách hữu hiệu không còn là chuyện của một huyện hay một tỉnh có thể làm được, mà cả vùng ĐBSCL cần hợp tác với nhau.

Ngoài ra, bà con nông dân nên hợp tác thật tốt với các nhà chuyên môn, tuân thủ lịch xuống giống chung. Phải cắt đứt không còn một diện tích nào đang gieo sạ lúa trên đồng ruộng trên toàn vùng trong vòng từ một đến hai tháng, để rầy nâu không còn nơi trú ngụ và dần chết đi.

Thời điểm thích hợp thực hiện việc này là khi thu hoạch xong lúa hè thu 2007, cũng là lúc nước tràn đồng, những vùng đê bao làm lúa vụ 3 nên xả lũ kiên quyết không cho sản xuất lúa vụ 3. Dám chấp nhận mất mát ban đầu như thế chúng ta mới ổn định sản xuất, nền nông nghiệp trong tương lai mới được bền vững. Việc nông dân vẫn tiếp tục xuống giống lúa vụ ba và vụ đông xuân sớm đã làm tăng diện tích lúa bị bệnh, từ 2% diện tích lúa vụ hè thu nhiễm bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá thì nay nhiều tỉnh đã tăng lên gần 30%. Riêng An Giang vụ hè thu 2006 chỉ nhiễm 0,16% đã tăng lên 5,25% ở lúa vụ ba.